Khiến...đàn ông to ngực, Johnson & Johnson bị buộc bồi thường 8 tỷ đô

Google News

Một bồi thẩm đoàn ở thành phố Philadelphia thuộc bang Pennsylvania của Mỹ hôm 9/10 vừa qua đã buộc Johnson & Johnson phải bồi thường 8 tỉ USD cho một người đàn ông 26 tuổi ở bang Maryland. Nguyên đơn cáo buộc hãng dược khổng lồ của Mỹ đã không cảnh báo những người đàn ông trẻ về tác dụng phụ gây phát triển ngực của một loại thuốc của hãng.
 

Mức phạt khổng lồ
Phán quyết được đưa ra liên quan đến loại thuốc điều trị rối loạn thần kinh của Johnson & Johnson có tên Risperdal. Đây là loại thuốc được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và các triệu chứng khó chịu liên quan đến rối loạn tự kỷ. Loại thuốc này được cho là có nhiều hiệu quả thực tiễn. Tuy nhiên, Risperdal cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ không tốt, đáng kể nhất là nguy cơ gây đột quỵ ở người lớn và phát triển ngực bất thường ở nam giới.
Khien...dan ong to nguc, Johnson & Johnson bi buoc boi thuong 8 ty do
 Sản phẩm gây tranh cãi của hãng.
Chỉ riêng với tình trạng phát triển ngực bất thường ở nam giới (được gọi là gynecomastia), Johnson & Johnson hiện đang phải đối mặt với hàng ngàn vụ kiện. Các nguyên đơn cáo buộc công ty đã không cảnh báo đầy đủ về những rủi ro đối với tình trạng phát triển ngực do dùng thuốc.
Nguyên đơn trong vụ việc tại Philadelphia là anh Nicholas Murray (26 tuổi) cho biết, ngực của anh ta đã phát triển bất thường sau khi được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tâm lý phổ tự kỷ và kê đơn sử dụng thuốc loạn thần Rispedal của Johnson & Johnson từ năm 2003, khi anh ta còn là người vị thành niên. Murray cáo buộc Johnson & Johnson đã không cảnh báo chính xác cho người dùng về nguy cơ này.
Trước đó, một bồi thẩm đoàn năm 2015 đã ra phán quyết buộc Johnson & Johnson phải bồi thường cho anh Murray 1,75 triệu USD sau khi cho rằng Johnson & Johnson đã sơ suất trong việc không cảnh báo cho người sử dụng thuốc của hãng về nguy cơ mắc bệnh gynecomastia. Tháng 2/2018, tòa phúc thẩm xét xử vụ việc đã giữ nguyên phán quyết nhưng giảm mức bồi thường mà hãng dược khổng lồ của Mỹ phải trả xuống còn 680.000 USD.
Khien...dan ong to nguc, Johnson & Johnson bi buoc boi thuong 8 ty do-Hinh-2
 Sản phẩm gây tranh cãi của hãng.
Các ông Tom Kline và Jason Itkin (Luật sư của Murray) cho rằng, việc bồi thẩm đoàn tại Philadelphia yêu cầu Johnson & Johnson phải bồi thường cho nguyên đơn một lần nữa cho thấy tập đoàn này đã đặt lợi nhuận lên trên bệnh nhân, coi trọng lợi nhuận hơn sự an toàn và sức khỏe người bệnh, chọn tiền bạc thay vì con người. Họ cáo buộc Johnson & Johnson đã không cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh gynecomastia liên quan đến Risperdal; kiếm lời hàng tỉ USD từ việc tiếp thị trái phép thuốc và quảng cáo những công dụng ngoài chỉ định.
Theo nguyên đơn, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ vào cuối năm 1993 đã phê duyệt loại thuốc này để điều trị bệnh tâm thần phân liệt và các cơn hưng cảm lưỡng cực ở người lớn. Tuy nhiên, Johnson & Johnson đã tiếp thị các công dụng không được chấp thuận của thuốc với trẻ em. Năm 2006, Risperdal mới được FDA chấp thuận cho tiếp thị điều trị các triệu chứng khó chịu liên quan đến chứng tự kỷ ở trẻ em.
Trong khi đó, Johnson & Johnson đã lên tiếng chỉ trích phán quyết của bồi thẩm đoàn nhằm vào hãng này và công ty con là Công ty dược Janssen. Johnson & Johnson cho rằng khoản bồi thường mà bồi thẩm đoàn đưa ra là quá cao, không cân xứng với mức 680.000 USD được tòa án tại một bang khác tuyên vào năm 2018. Johnson & Johnson cũng thông báo sẽ kháng cáo và tự tin rằng phán quyết sẽ bị thay đổi.
Hãng này còn cáo buộc bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania đã không cho các luật sư của hãng trình bày bằng chứng về những lợi ích từ việc sử dụng thuốc Risperdal đồng thời khẳng định công ty đã cảnh báo về các nguy cơ do sử dụng thuốc trên nhãn mác sản phẩm. Hơn nữa, theo hãng này, các luật sư của nguyên đơn đã không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy nguyên đơn thực sự bị tổn hại bởi hành vi mà công ty bị cáo buộc phạm phải.
Giáo sư Carl Tobias (Trường Đại học luật Richmond) nhận định rằng mức bồi thường đối với Johnson & Johnson sẽ được giảm sau khi hãng này kháng cáo. Song, ông Tobias cho rằng phán quyết bồi thẩm đoàn Philadelphia đưa ra đã phát đi một thông điệp đáng kể với các vụ việc tương tự. Theo đó bản án có thể là một dấu hiệu cho thấy Johnson & Johnson sẽ phải đối mặt với những khoản bồi thường thiệt hại lớn hơn trong các vụ kiện khác có liên quan đến thuốc Risperdal. “Bằng chứng trong phiên tòa này có thể thuyết phục các bồi thẩm đoàn hoặc thẩm phán khác đưa ra quyết định tương tự”, ông Tobias nhận định. Hiện Johnson & Johnson đang phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện tương tự tại các bang như Pennsylvania, California và Missouri.
Hàng loạt rắc rối
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới nhưng Công ty dược Johnson & Johnson cũng đối mặt không ít tai tiếng, phần lớn có liên quan đến sản phẩm phấn rôm của hãng. Hồi giữa tháng 7/2018, một tòa án ở Mỹ đã yêu cầu Johnson & Johnson phải trả tổng cộng 4,69 tỉ USD cho nguyên đơn gồm 22 phụ nữ đã đứng ra tố cáo các sản phẩm phấn rôm của Johnson & Johnson có chứa bột talc, chất amiăng gây ung thư. Đơn kiện của 22 phụ nữ trên cáo buộc Johnson & Johnson biết rõ các sản phẩm của họ có chất cấm nhưng đã cố tình “giấu nhẹm” thông tin.
Trước đó, tháng 8/2017, Johnson & Johnson cũng đã bị buộc phải trả khoản tiền phạt 417 triệu USD theo phán quyết được tòa án ở Los Angeles đưa ra dựa trên đơn kiện do bà Eva đệ trình. Bà Echverria cáo buộc sản phẩm phấn rôm của Johnson & Johnson mà bà đã tin dùng trong nhiều năm chính là nguyên nhân khiến bà bị ung thư buồng trứng. 3 tháng trước nữa, vào tháng 5/2017, một tòa án tại Mỹ cũng đã ra phán quyết yêu cầu Johnson & Johnson phải bồi thường 110 triệu USD cho một phụ nữ ở bang Virginia bị ung thư cũng được cho là do dùng phấn rôm của hãng này.
Năm 2016, Johnson & Johnson cũng bị yêu cầu bồi thường 72 triệu USD cho gia đình một phụ nữ người Mỹ đã qua đời do bị ung thư buồng trứng được cho là có liên quan đến phấn rôm của hãng này. Mới đây nhất, hồi tháng 3/2019, tòa án bang California của Mỹ đã ra phán quyết buộc Johnson & Johnson phải bồi thường 29,4 triệu USD cho bà Teresa Leavitt và chồng. Bà Leavitt đã khởi kiện dãng dược trên vì cho rằng bệnh ung thư mà bà mắc phải do bột talc trong phấn rôm của hãng gây ra. Theo thống kê, Johnson & Johnson đang đối mặt hơn 13.000 vụ kiện cáo buộc sản phẩm phấn rôm trẻ em của hãng gây ung thư.
Johnson & Johnson luôn lên tiếng phủ nhận cáo buộc, khẳng định rằng sản phẩm của họ an toàn và đã kháng án. Nhiều bản án chống lại hãng này sau đó đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, những tài liệu nội bộ của Johnson & Johnson do hãng tin Reuters của Anh công bố hồi năm ngoái khẳng định, ngay từ các năm 1957-1958, Johnson & Johnson đã biết trong sản phẩm phấn rôm trẻ em của họ có chứa chất amiăng gây ung thư nhưng cố tình “giấu nhẹm” đi.
Năm 2013, Johnson & Johnson cũng đã đồng ý trả 2,2 tỉ USD tiền phạt hình sự và dân sự để dàn xếp các cáo buộc cho rằng hãng này đã tiếp thị bất hợp pháp thuốc của hãng có tác dụng kiểm soát các bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ ở viện dưỡng lão và trẻ em bị khuyết tật hành vi ở mức độ nhất định. Trong một hồ sơ của công ty, Johnson & Johnson tiết lộ rằng công ty đang bị 13.400 người kiện vì thuốc Risperdal. Trước phán quyết mới nhất, cuối tháng 8 vừa qua, một thẩm phán ở bang Oklahoma cũng đã ra phán quyết buộc công ty này phải trả 572 triệu USD vì đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhóm opioid ở bang này.
Johnson & Johnson không phải là công ty duy nhất phải đối mặt với sự những cáo buộc liên quan đến sản phẩm về thuốc chống loạn thần. Ví dụ, công ty Eli Lilly năm 2009 cũng đã trả 1,4 tỉ USD để dàn xếp các cáo buộc rằng họ đã tiếp thị thuốc Zyprexa không đúng cách. Công ty AstraZeneca trong năm 2010 cũng đã đồng ý trả 520 triệu USD để giải quyết các vấn đề tương tự liên quan đến thuốc Seroquel.
Theo Tùng Lâm / Pháp luật Bốn phương

>> xem thêm

Bình luận(0)