Ông Nguyễn Ngọc Q. 60 tuổi, trú tại Hà Nội có tiền sử mổ rò hậu môn. Ông Q. đã mổ ở tuyến dưới, điều trị chưa triệt để dẫn đến bị rò lại hậu môn, tạo thành 1 áp xe cạnh hậu môn. Ông Q. được gia đình đưa vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Các bác sĩ cho biết nếu không điều trị triệt để, bệnh nhân sẽ dẫn tới biến chứng nhiễm trùng lan tỏa tầng sinh môn. Đây là biến chứng nặng nề, nguy cơ gây tử vong cao.
|
Rò hậu môn là căn bệnh khó nói nhưng biến chứng nguy hiểm.
|
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã hồi sức tích cực cho bệnh nhân như: Dùng kháng sinh mạnh, bù lại các rối loạn về nước điện giải, máu; xử trí vết thương: rạch rộng tầng sinh môn và xử trí áp xe cạnh hậu môn liên cơ thất hậu môn nhân tạo.
Rò hậu môn thường hình thành từ những ổ áp xe cạnh hậu môn cũ hoặc mới, thường xuất hiện ở 50% bệnh nhân có áp xe cạnh hậu môn. Người bình thường có các tuyến bã nằm rải rác trong ống hậu môn. Có những khi các tuyến bã này bị bít tắc và nhiễm khuẩn rồi hình thành một ổ áp xe.
Đường rò hậu môn là một đường hầm nằm dưới da và thông từ ổ áp xe tới tuyến bã bị nhiễm khuẩn. Đường rò hậu môn có thể xuất hiện cùng với áp xe hoặc không và có thể thông với da vùng mông (da xung quanh hậu môn). Một số bệnh khác như bệnh Crohn, xạ trị sau mổ ung thư, chấn thương vùng hậu môn, và ung thư hậu môn trực tràng cũng có thể gây nên bệnh rò hậu môn.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Áp xe và rò hậu môn là 2 giai đoạn của một bệnh lý bắt nguồn từ nhiễm khuẩn của tuyến bã (Hermann - Desfosses) ở hốc hậu môn tạo thành ổ mủ (áp xe) nằm ở cạnh hậu môn hoặc trực tràng. Ổ áp xe hoặc tự vỡ hoặc dẫn lưu không tốt sẽ tạo thành đường rò hậu môn là một đường hầm thông từ tuyến bã bị nhiễm khuẩn với lỗ rò dịch mủ ở ngoài da cạnh hậu môn.
Ở giai đoạn áp xe, người bệnh sẽ có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau cạnh hậu môn; tiếp đến giai đoạn rò sẽ thấy có lỗ rò chảy dịch vàng nhạt hoặc mủ cạnh hậu môn, tái phát từng đợt. đợt cấp có thể kèm theo cả áp xe. Trong một vài trường hợp ít gặp, người bệnh cảm thấy đau sâu trong hậu môn, trực tràng, có thể thấy mủ chảy ra từ trong hậu môn.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ thêm: Áp xe và – rò hậu môn kéo dài dai dẳng sẽ gây mất tự tin, giảm chất lượng cuộc sống, giảm thời gian lao động, trường hợp nặng có thể gây viêm tấy lan tỏa vùng chậu, hội chứng Fournier, nhiễm trùng huyết có thể dẫn tới tử vong.
Cách điều trị duy nhất và hiệu quả nhất của căn bệnh này là phẫu thuật. Áp xe cạnh hậu môn phải được dẫn lưu áp xe cấp cứu tại phòng khám chuyên khoa hoặc phòng mổ. Điều trị kháng sinh không kèm dẫn lưu áp xe có thể gây nguy hiểm tính mạng. Giai đoạn rò có thể lựa chọn phẫu thuật một thì hoặc phẫu thuật nhiều thì ( đặt seton dẫn lưu đường rò, cắt dần đường rò sau mỗi lần tái khám theo hẹn cho đến hết hoặc đường rò sau khi dẫn lưu tốt, hạ thấp sẽ được mổ mở đường rò thì sau). Tuy gây phiền hà cho bệnh nhân do thời gian liền thương kéo dài nhưng lại làm giảm tỉ lệ biến chứng mất tự chủ hậu môn sau mổ.
Ngoài ra, với mục đích bảo tồn tối đa chức năng tự chủ hậu môn đặc biệt là những trường hợp rò hậu môn phức tạp còn có các phương pháp như đóng lỗ trong, phẫu thuật LIFT, kiểm soát đường rò bằng nội soi hoặc tia laser. Bịt kín đường rò bằng vật liệu sinh học ( collagen, fibrin , tế bào gốc), hoặc vật liệu nhân tạo,….
Để phòng tránh căn bệnh gây nhiều phiền hà giảm chất lượng cuộc sống này, người dân cần kiểm soát tốt các yếu tố thuật lợi gây bệnh như trĩ, nứt kẽ hậu môn, viêm đại tràng mạn tính, hội chứng ruột kích thích,… Cần duy trì thói quen ăn uống sinh hoạt điều độ, tránh đồ ăn cay nóng, chất kích thích và giữ vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn. Đặc biệt, thường xuyên tầm soát cơ thể sẽ giúp mỗi người kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân.