Năm nay là năm thứ ba Thảo ăn Tết ở nhà chồng. Cường – chồng Thảo là kĩ sư cầu đường nên thường xuyên phải đi công trình xa nhà. Thảo là giáo viên mầm non, ở nhà đảm nhận vai trò chăm sóc mẹ chồng, quán xuyến nhà cửa.
Thảo tâm sự, còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết khiến cô nhớ lại bao nhiêu kỉ niệm năm cũ. Tết năm nay có lẽ cô không còn phải khổ sở vì những hành động khiếm nhã của mẹ chồng, cũng không phải đối diện với những cái nhìn sắc lẹm từ bà. Bởi vì, Tết năm ngoái chính Thảo đã chữa dứt điểm cho mẹ chồng căn bệnh “ki bo, kẹt xỉ” mà còn vô duyên hết phần thiên hạ.
Thảo lấy chồng cách nhà mẹ đẻ chưa đầy 3 cây số nên cứ cuối tuần là cô lại đưa con về thăm ông bà. Bố Thảo bị tai nạn lao động giờ nằm liệt một chỗ, em trai cô thì đang đi xuất khẩu lao động năm sau mới về. Hoàn cảnh nhà Thảo cũng khá khó khăn, đó là cái cớ khiến mẹ chồng lúc nào cũng lo cô mang tiền về dấm dúi cho bố mẹ đẻ.
|
Ảnh minh họa. |
Nhưng khổ nỗi, lương của Thảo 3 cọc 3 đồng chả đủ nuôi con thì tiền ở đâu mà cho bố mẹ. Thậm chí thỉnh thoảng con ốm, con đau cô còn phải về xin thêm bà ngoại để có tiền thuốc thang, sữa bỉm cho thằng bé.
Lần nào từ nhà ngoại về, mẹ đẻ cũng chuẩn bị cho con gái bao nhiêu thứ nào cá, nào gà rồi rau sạch mang về. Thế mà mẹ chồng chẳng biết đấy là đâu, lúc nào bà cũng hằn học với Thảo.
Thảo kể Tết năm ngoái chồng cô báo nghỉ muộn nên gửi tiền về trước, bảo cô trích ra 3 triệu mang sang vừa biếu vừa mua đồ lễ Tết ông bà ngoại. Biết tính mẹ chồng nên cô chỉ mua một giỏ quà mang về nhà ngoại. Chuyện chỉ có thế mà ngay tối hôm ấy bà lăn đùng ra ốm, kêu đau đầu, chóng mặt.
Thảo về nhà ngoại, đi được một đoạn mới nhớ ra quên điện thoại nên quay về lấy. Về đến cửa cô thấy giọng mẹ chồng nói to trong điện thoại, y như rằng bà đang kể tội Thảo với con trai:
“Mày về mà xem con vợ mày, dấm dúi lấy hết tiền mồ hôi nước mắt của mày mang về cho bố mẹ nó. Hôm nay nó mua bao nhiêu đồ, cũng phải tốn cả 5, 7 triệu chứ ít gì. Đấy, giờ nó mang về nhà nó rồi đấy. Mẹ thương mày đến phát ốm rồi đây. Mẹ là mẹ ghét nhất cái thói con gái đi lấy chồng còn thu vén, lấy tiền của mang về cho bố mẹ đẻ”.
Thảo nghe mà ức phát khóc, mẹ chồng nói sai hoàn toàn sự thật. Cô cố gắng bình tĩnh, bám tay thật chặt vào cánh cửa rồi quay ra cổng về nhà mẹ coi như chưa nghe thấy gì.
|
Ảnh minh họa. |
3 ngày sau, mẹ chồng vẫn thái độ làm mặt nặng với con dâu. Bà kêu thương con trai đi làm xa vất vả, nói xéo con dâu “ở nhà ăn ngon mặc đẹp béo quay cun cút”. Nhưng Thảo bỏ ngoài tai hết, gần như cô đã “mẫn cảm” với những câu nói kiểu này từ mẹ chồng.
Thảo kể, chồng cô có một em gái lấy chồng ở xa nên năm nào cũng về lễ Tết sớm. Trưa hôm ấy, em chồng cô về mang theo bao nhiêu đồ. Mẹ chồng hớn hở ra đón rồi gọi Thảo khuân đồ vào. Thảo nghĩ bụng, hẳn là thời cơ của cô đã đến.
Bữa trưa, có mặt đông đủ mọi người. Em chồng rút tiền lì xì cho từng người. Đến lượt mẹ chồng Thảo, cô ấy đưa hẳn một cọc tiền 500 nghìn đồng cười tươi: “Năm nay con có lộc, con mừng tuổi mẹ số này, chúc mẹ năm mới thật nhiều sức khỏe”.
Mẹ chồng vội đưa tay nhận tiền từ con gái thì Thảo chen ngang, cô tỏ vẻ hoảng hốt bảo:
“Kìa cô Khánh, cô không được làm thế, cô cất tiền ngay đi. Mẹ bảo mẹ ghét nhất là con gái đã đi lấy chồng rồi còn mang tiền về nhà ngoại. Hôm trước chị đi lễ Tết bố mẹ chị có 1 giỏ quà nhỏ mà làm mẹ bực đến phát ốm mấy ngày đấy”.
Mẹ chồng nghe đến đấy thì mặt mày tái xanh, còn em chồng đứng hình, em rể bụm miệng cười khiến Thảo đắc ý vô cùng.
Cô không có ý làm mất mặt mẹ chồng, nhưng cái gì cũng có giới hạn, không ai có thể chịu đựng được mãi như vậy. Cũng từ đó, mẹ chồng không bao giờ bắt bẻ hay làm khó gì con dâu mỗi lần cô về ngoại nữa.
Tết năm nay, Thảo được tự do rồi!