Khi chồng bị xếp thứ hai

Google News

Trước nay người ta vốn đã mặc định người đàn ông, người chồng là chủ gia đình bởi sự mạnh mẽ, tháo vát và cái chính họ là lao động chính làm ra tiền để nuôi sống gia đình. Vì lý do gì đó mà họ bị xếp hàng thứ hai, chuyện gì sẽ xảy ra?

Xã hội phát triển, người phụ nữ được bước ra ngoài xã hội cạnh tranh với đàn ông trong vai trò làm kinh tế. Từ đó, thứ tự chủ chốt trong gia đình cũng dần thay đổi. Ngày nay, không hiếm người phụ nữ giỏi giang, làm ra tiền có khi còn hơn người đàn ông trong nhà.
Chị Liên có tài kinh doanh. Một tay chị gây dựng sự nghiệp, nhà cửa khang trang, khá giả, con cái học hành tới nơi tới chốn. Nhưng đằng sau khuôn mặt rất sáng, phong thái tự tin, ung dung ấy là ánh mắt luôn phảng phất nỗi buồn. Chỉ có ai thật gần gũi với chị Liên mới biết nỗi thống khổ của chị.
Khi chong bi xep thu hai
Ảnh minh họa. 
Công việc kinh doanh bên ngoài vốn vất vả, chị luôn đối diện nhiều khó khăn áp lực. Chị vừa làm kinh tế, vừa lo đối nội, đối ngoại… Về nhà vẫn phải gánh nặng vai trò làm vợ làm mẹ.
Chị Liên thường tâm sự: Giá mà chồng chị hiểu và thông cảm cho chị một chút.
Anh Tấn chồng chị được nhiều người cho rằng thiếu nhanh nhạy. Từ đó, anh mất tự tin, lười nhác nhưng lại có tính gia trưởng và sĩ diện hảo.
Anh luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ anh kém cỏi hơn chị. Anh khổ sở dằn vặt vì cho rằng bị xếp hàng thứ hai trong nhà. Anh càng cố gắng càng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ vì sự bất tài kém cỏi của mình. Thế là chẳng những anh không giúp gì cho chị mà hơi tí là anh làm náo loạn cả cuộc sống gia đình. Thậm chí có khi dằn không được, chị trả treo, còn bị anh thượng cẳng tay hạ cẳng chân.
Có lẽ một phần cũng do định kiến, nhiều người đàn ông không chấp nhận được sự thật người vợ đóng vai trò đứng mũi chịu sào lèo lái gia đình. Một trong những cách chứng tỏ của họ là cố tình tìm cách dìm vợ mình xuống. Rất khó để người đàn ông chấp nhận mình thua kém vợ.
Biết vậy, chị nhún nhường. Càng nhún nhường anh càng được thể làm tới. Anh còn đâm ra đổ đốn nhậu nhẹt, cờ bạc, nợ nần, chị phải è lưng ra gánh vác trả nợ.
Chị có thể chịu khổ, chịu vất vả cũng chỉ vì con cái và gia đình. Chị chỉ cần anh hiểu và công nhận những nỗ lực cố gắng của chị để chị lấy sức mà vượt qua.
Mặc dù vậy chị Liên vẫn chưa bao giờ nghĩ tới việc ly hôn với anh vì chị vẫn mong muốn với thiện chí của chị có ngày anh sẽ hiểu chị. Và cái chính là chị muốn các con chị có một gia đình đầy đủ cha mẹ, các cháu nội ngoại đầy đủ ông bà nên chị cố gắng gìn giữ gia đình.
Không hiếm người đàn ông có điểm xuất phát thua kém vợ mình, có thể là học vấn, địa vị, tài chính hoặc kỹ năng… Khi đó cách lựa chọn của họ một là, cố gắng hết sức phấn đấu vượt lên chính mình để bắt kịp vợ. Hai là lui về làm hậu phương vững chắc cho vợ toàn tâm toàn ý với công việc kiếm tiền. Trong thực tế cả hai trường hợp đều đưa đến thành công, cùng kiến tạo một gia đình hạnh phúc. Trong cả hai trường hợp người đàn ông đều tỏ rõ được bản lĩnh của mình.
Xếp thứ hai hay thứ nhất là do cách chúng ta nghĩ. Cơ bản là vợ chồng cùng đoàn kết thương yêu nhường nhịn và đừng quá quan trọng cái tôi.
Theo Nguyễn Loan/Thegioitiepthi.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)