Phiên tòa thứ nhất: Ly hôn là lựa chọn của chị và ủng hộ của người thân. Nhưng ai cũng hậm hực “Chả tiếc gì loại người ấy nhưng không thể tin nổi, một thằng nhà quê ăn nhờ ở đậu, vợ nuôi, mang ơn còn không hết mà vẫn phản bội được. Chả tiếc nhưng đau vì không ngờ con người bạc thế”.
Cơn đau của họ là có thật nhưng có khi nào họ nhận ra chính suy nghĩ muốn kẻ yếu thế hơn phải mang ơn cũng là một phần nguyên nhân của đổ vỡ.
Ở một phiên tòa khác: Người vợ phải mời luật sư và “lobby” bằng tiền để nhanh chóng được giải quyết ly hôn. Chị không có thời gian nghe hòa giải. Những ngày xử lý ly hôn, chị say không biết bao lần. Chị muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân ấy vậy mà đớn đau. Người chồng là mối tình đầu, vô cùng say đắm.
|
Ảnh minh họa. |
Vậy mà không ngờ những chênh lệch về kinh tế đã khiến họ bất đồng và xa dần. Trong mắt chị, anh trở nên đáng khinh bỉ. Nhưng chị có kịp tỉnh táo để hiểu hết ý nghĩa của câu nói của anh ở cổng sân tòa rằng: “Sau này anh nhất định sẽ giàu hơn”.
Hai phiên tòa, hai cuộc hôn nhân tan vỡ. Có rất nhiều lý do cho một sự đổ vỡ nhưng cả hai tình huống đó đều giống nhau là đã có sự so sánh hơn thua trong hôn nhân của họ.
Trong câu chuyện thứ nhất, người chồng không nhà cửa, lên phố làm thuê rồi quen người vợ hiện tại khi cả hai đã lớn tuổi. Người ta vẫn nghĩ một người ở nhà của vợ, tiền tiêu của vợ thì “có gì cho gái mà có gái theo”, “làm sao dám theo gái”. Thế mà điều người ta không ngờ tới vẫn cứ tới.
Mời độc giả xem video Tan vỡ hôn nhân chỉ vì vì 3 “điểm xấu” cặp đôi nào cũng mắc phải (Nguồn: Youtube/Hướng dẫn tết tóc):
Người vợ nhất quyết ly hôn để “đẩy ra đường xem còn đứa nào theo” và “không thể ở với người chồng vừa phản bội vừa vô ơn”. Người đàn ông dù thế nào, ngoại tình vẫn là sai, là phạm nghĩa vợ chồng, là phạm luật hôn nhân.
Nhưng hỏi người vợ có bao giờ nhận ra cảm giác “kèo trên, kèo dưới” đã vô tình đẩy người kia vào uất ức và muốn bứt ra?
Câu chuyện thứ hai, người đàn ông và người vợ là mối tình đầu của nhau. Hai gia đình đều có nhà thành phố nhưng người chồng là viên chức thường. Còn người vợ buôn bán và nhờ vào ngoại tệ của người thân ở nước ngoài. Khác nhau về kinh tế dẫn tới những quyết định khác nhau trong cách chi tiêu và hành xử.
Người vợ thích đồ sang chảnh, người chồng sẵn sàng mua đồ đã qua sử dụng. Người chồng rụt rè trong các vấn đề kinh tế, người vợ vung tay mạnh. Câu chuyện sẽ không đi xa nếu họ có thể giải thích, chia sẻ về thói quen của nhau, nếu không có chuyện “tiền em, tiền anh”.
Tiếc rằng, họ đã kỳ thị suy nghĩ và thói quen tiêu dùng của nhau. Những rạn nứt nhỏ kết nối thành tan vỡ lớn. Lỗi không phải ở việc có tiền hay không mà ở chỗ họ ứng xử với tiền.
Tâm lý thường thấy của số đông là những “kẻ dưới” sao dám bứt ra ngoài gia đình. Qua niệm của số đông có thể đúng nhưng sự đúng đó đi theo hướng áp đặt, bắt người ta cam chịu chứ không thoải mái, tình nguyện. Đó không phải yêu thương, sẻ chia và tôn trọng của hôn nhân.
Trong ấm ức, mặc cảm kèo dưới, người ta có hai cách thể hiện mình. Người bản lĩnh và tử tế sẽ biểu hiện bằng việc tự mình mạnh mẽ lên, để nhà vợ/nhà chồng phải nể. Còn những người kém cỏi thì có phản ứng chống đối lại, thể hiện sức mạnh cá nhân bằng làm tổn thương người khác như la mắng, chửi bới, bê tha rượu chè, bài bạc, ngoại tình...
Bởi thế trong hôn nhân đừng duy trì kẻ mạnh, kẻ yếu. Khi xuất hiện điều đó thì cả kẻ mạnh và kẻ yếu đều thất bại.