Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản (NCAC) đã chọn tổng cộng 100 sản phẩm với 10 loại bổ sung khác nhau bao gồm đa vitamin, GABA, giấm đen và Coenzyme Q để thử nghiệm. Chúng được lựa chọn dựa trên các cuộc điều tra của NCAC tại các cửa hàng và trên mạng xã hội.
Các sản phẩm dược phẩm phải hòa tan trong nước trong vòng 30 phút nếu chúng là những viên thuốc cứng, không tráng. Những chất được bọc đường hoặc dung dịch khác cần 60 phút để phân hủy và viên nang phải tan trong vòng 20 phút.
Nhưng thử nghiệm của NCAC cho thấy 42 sản phẩm không hòa tan theo thời gian giới hạn. 14/26 viên thuốc không bọc cũng không phân hủy đúng thời gian. Ngoài ra, trong số 64 sản phẩm được thử nghiệm đã mở bao, một nửa không hòa tan theo giới hạn thời gian cho phép.
|
100 sản phẩm thực phẩm bổ sung được thử nghiệm tại NCAC. Ảnh: Mainichi. |
Phát hiện này cho thấy cơ thể của con người có thể không hấp thụ các chất dinh dưỡng tập trung được đóng gói trong thuốc và viên bổ sung. NCAC kêu gọi người dân cần thận trọng vì "không phải lúc nào các chất bổ sung đều có chất lượng tương tự sản phẩm thuốc".
Thực phẩm bổ sung được phân loại là mặt hàng thực phẩm. Các tiêu chuẩn tồn tại có trên mục thông tin dinh dưỡng của từng sản phẩm được phê duyệt bởi Cơ quan tiêu dùng. Tuy nhiên, những thực phẩm này không phải tuân theo yêu cầu nghiêm ngặt như các sản phẩm dược phẩm. Chúng cũng không cần sự phê duyệt bởi Chính phủ khi ra thị trường.
Trong một cuộc khảo sát với 10.000 người tiêu dùng, 74% người được hỏi nói rằng họ tin các chất bổ sung có sự giám sát nghiêm ngặt và chất lượng sản phẩm ổn định. Trong khi đó, 20% nói rằng họ dùng chúng để giảm nhẹ các triệu chứng khi bị bệnh. Gần 10% dường như bị nhầm lẫn về sự khác biệt giữa thuốc và thực phẩm bổ sung.
Satoshi Ono, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Shimane, cho biết: "Nếu các chất bổ sung ra khỏi cơ thể tương tự khi chúng xâm nhập vào, chúng không hòa tan và được hấp thụ. Đó là sự 'phản bội' lại kỳ vọng của người tiêu dùng".
Vấn đề này đã gây ra nhiều tranh cãi đối với các tổ chức liên quan đến việc sản xuất thực phẩm bổ sung. Hiệp hội Thực phẩm và Sức khỏe Nhật Bản cho rằng các thử nghiệm về thời gian hòa tan của chất bổ sung nên được thực hiện bắt buộc.
Trong khi đó, Hiệp hội Thực phẩm Y tế Nhật Bản phản đối cách thực hiện các xét nghiệm. "Điều này có vẻ khiến thực phẩm bổ sung được đánh giá ngang hàng với thuốc, khiến người tiêu dùng sẽ hiểu sai về sự khác biệt giữa chúng", cơ quan này cho biết.