Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm trộn đạt hiệu quả tốt và chưa ghi nhận tình huống nguy hiểm nào.
Tìm hiểu của báo Tri thức và Cuộc sống cho thấy, Canada trở thành một trong những quốc gia đi tiên phong trong cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19 bằng cách cho phép người dân trộn các loại vắc xin phòng chống COVID-19 khác nhau.
Từ đầu tháng 6/2021, Canada đã khuyến nghị về việc tiêm trộn dành cho 3 loại vắc xin COVID-19 là AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Hướng dẫn mới về "chủng ngừa hỗn hợp COVID-19" của quốc gia này, công bố bởi Ủy ban tư vấn Quốc gia về tiêm chủng (NACI) ngày 1/6/2021, khuyến nghị:
- Những người đã được mũi tiêm thứ nhất là vắc xin AstraZeneca/ COVISHIELD (phiên bản Ấn Độ của AstraZeneca) có thể được tiêm một trong 2 loại trên hoặc 1 loại vắc xin mRNA (Moderna hoặc Pfizer/BioTech) cho mũi thứ 2.
- Những người đã được mũi tiêm thứ nhất là một mũi vắc xin mRNA (Moderna hoặc Pfizer/BioTech) nên được cung cấp cùng loại vắc xin mRNA cho mũi thứ 2, nhưng nếu loại đó không sẵn có hoặc không rõ liều đầu tiên tiêm loại nào, có thể sử dụng bất kỳ một vắc xin mRNA trong 2 loại nói trên vì vắc xin mRNA có thể thay thế cho nhau.
|
Ảnh minh họa. |
Tiến sĩ Theresa Tam, Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng Canada cho biết quyết định dùng các loại vắc xin mRNA thay thế cho nhau giữa mũi 1 và mũi 2 hoàn toàn không mới.
Đồng thời, Thủ tướng Justin Trudeau cũng nói rằng chiến lược tiêm chủng pha trộn các loại vắc xin COVID-19 của Canada phát huy tác dụng thấy rõ với lượng sử dụng ngày càng tăng và số ca nhiễm mới ngày càng giảm dần. Mục tiêu của Canada là đảm bảo rằng nhiều người dân được bảo vệ nhất có thể.
|
Ảnh minh họa. |
Vào cuối tháng 8/2021, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đưa ra khuyến nghị rằng tuy vẫn nên ưu tiên tiêm 2 mũi vắc xin cùng một loại, nhưng đối với mRNA - trong tình huống bất khả kháng, không nhớ mũi 1 tiêm vắc xin loại gì hoặc không có sẵn sản phẩm vắc xin cùng loại cho lần tiêm mũi 2, thì có thể sử dụng bất cứ loại vắc xin mRNA nào sẵn có để sử dụng với khoảng cách tối thiểu 28 ngày.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng ủng hộ chủ trương tiêm trộn và cho biết, việc tiêm mũi 2 bằng Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 bằng Moderna là an toàn và đã được áp dụng nhiều và ngược lại mũi 1 Pfizer, mũi 2 Moderna cũng được.
Hiện tại, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cũng đã nhấn mạnh, việc khan hiếm vắc xin COVID-19 là vấn đề của toàn cầu, TPHCM cũng không ngoại lệ. Do đó, các đội tiêm trên toàn địa bàn đang sử dụng các loại vắc xin phù hợp nhất để tiêm mũi 2 cho trường hợp đã tiêm mũi 1.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn chiều 7/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết về phương án tiêm trộn vắc xin. Theo đó, vắc xin Moderna và Pfizer có cùng công nghệ sản xuất, có điểm tương đồng. Trong trường hợp thiếu vắc xin Moderna, để tiêm mũi 2, vắc xin Pfizer có thể được lựa chọn thay thế.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, theo phân loại, 2 loại vắc xin Moderna và Pfizer được sản xuất cùng theo một công nghệ di truyền mRNA. Hiện nay, theo các hướng dẫn của ngành y, thành phố có thể tiêm trộn các loại vắc xin COVID-19 có công nghệ tương đồng với nhau.
Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện tại đã có các quốc gia như Canada và Mỹ áp dụng phương án tiêm trộn vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm trộn đạt hiệu quả tốt và chưa ghi nhận tình huống nguy hiểm nào.