Sau thời gian nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 4/5, hàng triệu học sinh cả nước đã bắt đầu đi học trở lại. Trong buổi đầu các em đến trường, đa số các trường học đều trang bị các dụng cụ sát khuẩn tay, giữ khoảng cách và đo thân nhiệt cho các em học sinh trước khi vào lớp. Vì lo ngại dịch bệnh COVID-19, nhiều phụ huynh còn trang bị kính chắn giọt bắn cho con, em theo học tại trường.
|
Học sinh của Trường THPT Trần Quang Khải (quận 11, TP.HCM) đeo tấm che giọt bắn trong lớp. Ảnh: Dân Việt. |
Chia sẻ trên Tổ Quốc, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho rằng học sinh đeo kính chống giọt bắn để phòng chống COVID-19 khi ngồi học trong lớp là không cần thiết và không nên.
Theo bác Khanh, việc đeo tấm chắn chỉ cần thiết khi các em học sinh ra ngoài vui chơi, nô đùa nhiều, các em nói chuyện đối mặt với nhau hoặc các em có biểu hiện ho bất ngờ.
"Trong lớp, các em chỉ ngồi học quay về một hướng, không tiếp xúc mặt đối mặt thì không cần thiết. Nón này chỉ dành cho những người khám bệnh, chăm sóc trực tiếp bệnh nhân. Bởi nhiều lúc xảy ra ho bất ngờ, lúc này kính chắn, ngăn giọt bắn sẽ hạn chế lây nhiễm. Trong khi học sinh ngồi học thì không ảnh hưởng", bác Khanh chia sẻ.
Ngoài ra, bác Khanh cho biết việc đeo tấm chắn giọt bắn đối với các em cận thị sẽ rất khó khăn bởi kính chắn sát mặt các bé gây vướng khó chịu. Điều này cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến mắt các bé.
|
Việc các em đeo kính chắn giọt bắn khi đi học là không cần thiết và không nên. Ảnh minh họa. |
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết việc các em học sinh trang bị kính chắn giọt bắn là không cần thiết.
"Các em đi học không phải đến những nơi nguy hiểm nên việc đeo kính chắn giọt bắn là không cần thiết. Trang bị khẩu trang cho các em là đủ, khi ra chơi thì dặn các em giữ khoảng cách đứng xa các bạn", bác sĩ Dũng cho biết.
Theo bác sĩ Dũng, việc học sinh đeo kính chắn giọt bắn thậm chí còn gây ảnh hưởng đến mắt, đặc biệt là đối với những em đeo kính cận. Việc đeo liên tục cũng gây cảm giác cực kỳ khó chịu trong thời tiết nóng bức.
Phân tích về tác hại của việc đeo kính chắn giọt bắn lâu dài, Bác sĩ Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết, việc đeo tấm chắn bằng meka hoàn toàn không tốt thậm chí ảnh hưởng tới mắt của trẻ nếu đeo quá lâu.
Bác sĩ Cương cho biết, hiện trẻ nhỏ đang bị áp lực quá nhiều cho mắt từ học online 2-3 tiếng ngày và nếu đến trường tiếp tục đeo kính che giọt bắn thì càng nguy hiểm cho đôi mắt của trẻ hơn.
Bác sĩ Cương cho biết, những ảnh hưởng của việc đeo tấm chắn mắt có thể có 3 tác hại:
Thứ nhất, trẻ bị cận thị và cận thị tăng số nhanh.
Thứ hai, khô mắt với các triệu chứng khó chịu như: chói, cộm, dàn dụa nước mắt, nhìn mờ thoáng qua, không tiếp tục công việc/học tập được hoặc giảm tập trung.
Thứ ba, mỏi mắt, đau đầu, rối loạn và co quắp điều tiết: mỏi mắt, cảm giác giật mắt, đau nhức trong hốc mắt, nhìn mờ cả xa và gần thoáng qua… là những khó chịu ai cũng đã từng bị khi làm việc với máy tính do mệt mỏi thị giác, tình trạng co cơ mắt hay mệt mỏi điều tiết. Nó báo hiệu có điều gì đó không ổn và nên thay đổi tốt hơn là nghỉ ngơi.