Theo chia sẻ của nam ca sĩ Hồ Quang Hiếu, lý do anh nhập viện gần đây là vì ngộ độc nhân sâm. "Nhân sâm rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn nhiều quá cũng không tốt mọi người nhé, nhất là khi đường ruột bị yếu như mình. Kinh nghiệm đầu năm lần sau không ăn sâm nhiều nữa" – nam ca sĩ chia sẻ trên facebook của mình.
|
Hồ Quang Hiếu nhập viện cấp cứu do dùng quá nhiều sâm để bồi bổ. |
Nhiều người luôn nghĩ nhân sâm là thuốc bổ, dùng càng nhiều càng tốt nên thường hãm nhân sâm dùng thay nước uống quanh năm. Việc lạm dụng nhân sâm có thể đưa đến nhiều hậu quả nguy hiểm. Đó là lời cảnh báo của bác sĩ đông y Nguyễn Xuân Hướng (Hội Đông y Việt Nam).
Không chỉ nam ca sĩ Hồ Quang Hiếu nhập viện vì dùng quá nhiều sâm mà trước đó đã có nhiều trường hợp rước bệnh vì loại "thần dược" tẩm bổ sức khỏe này.
Theo lời kể của một số bác sĩ tại các BV ở Hà Nội, từng có một số trường hợp vào BV cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do dùng nhân sâm không đúng cách. Điển hình là trường hợp anh V.M (36 tuổi, ở Hòa Bình) bị xơ gan kèm chảy máu đường ruột vào BV Bạch Mai điều trị. Sau khi ra viện 2 tuần, người vẫn yếu, nghĩ sâm có thể giúp người phục hồi sức khỏe nhanh, anh đã uống liền một lúc 30 gram sâm. Sau 2 ngày, bệnh trở nên nguy cấp, bệnh nhân tiếp tục chảy máu đường ruột, đưa vào BV tỉnh cấp cứu nhưng do mất máu khá nhiều nên lại chuyển về BV Bạch Mai. Mặc dù được truyền máu, nhưng BN vẫn không qua khỏi do tình trạng chảy máu không cầm.
Chị L.H (45 tuổi, ở Hà Nội) thấy người mệt mỏi, gầy rộc do công việc bận rộn vào dịp trước Tết. Sau tết hơn một tháng, thấy người vẫn uể oải, chị liền mua thuốc bổ có nhân sâm về uống. Mỗi ngày uống đều đặn 2 viên. Tới chu kỳ “đèn đỏ”, chị ngạc nhiên thấy huyết màu đỏ tươi, kéo dài tới 7 ngày không hết. Kỳ kinh kéo dài đến 12 ngày cùng với triệu chứng đau bụng ngâm ngẩm, chị đi khám. Bác sĩ chuyên khoa sản đã chẩn đoán, chị bị băng huyết nhưng không rõ nguyên nhân, vì các xét nghiệm, siêu âm đều ổn. Khi bác sĩ hỏi thời gian gần đây chị có uống thuốc gì không, chị cho biết đang uống thuốc bổ có nhân sâm, bác sĩ liền kết luận, chính nhân sâm là nguyên nhân gây chảy máu tử cung, rong kinh và băng huyết.
|
Việc lạm dụng nhân sâm có thể đưa đến nhiều hậu quả nguy hiểm. |
Một đôi vợ chồng trẻ mệt mỏi sau tuần trăng mật, để lấy lại sức, đã mua một củ hồng sâm (khoảng một lạng) đem đun sắc lấy 800 ml nước rồi chia nhau uống hết. Nghĩ là bổ nên ăn luôn cả bã sâm. Khoảng 10 phút sau, cả hai vợ chồng thấy nhức đầu, chân tay rã rời, tim đập mạnh, người nóng bức, nhìn vật không rõ, đôi lúc không tự chủ được hành động… Sau 2 giờ, đầu óc họ không còn minh mẫn, miệng khô nẻ, yết hầu tụ máu, đồng tử giãn... Nhờ gọi điện cho bố mẹ đến đưa đi cấp cứu kịp thời nên đôi vợ chồng trẻ đã thoát khỏi bàn tay tử thần.
Một số trường hợp sau khi uống nhân sâm tùy tiện còn có biểu hiện tâm thần bất thường như mất khả năng “yêu”, bực bội, lo lắng và mất ngủ nặng..., một số người khác bị tăng huyết áp, mẩn ngứa, phù thũng, tiêu chảy...
Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng sâm
Các sản phẩm thuốc bổ có sâm đều khuyến cáo trước khi dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Tuy nhiên, người dân sử dụng sâm rất tùy tiện. Cứ thấy người mệt mỏi, sau ốm dậy… là mua sâm về uống mà không biết rằng, những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc với nhân sâm:
- Độc sâm thang (đơn thuốc có một vị nhân sâm) chữa cơ thể quá suy nhược sau khi mất máu nhiều, thần kinh suy nhược: nhân sâm 40 g, nước 400 ml, sắc còn 200 ml, cho uống từng ít một, không kể thời gian. Uống xong cần nằm yên.
- Sâm phụ thang: chữa những trường hợp mạch suy, kiệt, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh, chân sâm 40 g (có thể 20 g), chế phụ tử 20 g (có thể dùng 10 g), sinh khương 3 nhát, táo đen 3 quả, nước 3 bát (600 ml) sắc còn 200 ml (1 bát) chia làm nhiều lần uống trong ngày.
- Sâm thái mỏng, cho vào miệng ngậm và nhấm từng ít một, nuốt nước và cả bã.
- Thái mỏng, cho vào ấm hay chén sứ, thêm một ít nước đậy nắp, đun cách thủy, uống nước. Sau đó lại thêm nước và đun cách thủy tiếp tục uống, làm cho đến khi hết mùi vị mới thôi. Ngày dùng 2-6 g.