Tết vừa rồi là lần đầu tiên tôi về quê chồng đón năm mới. Dù đã chuẩn bị kỹ, tôi vẫn bị cái lạnh xứ lạ làm cho mệt mỏi.
Thế nhưng với tôi chút khắc nghiệt ấy của thời tiết chẳng thấm vào đâu so với việc phải gò mình đóng vai vợ hiền, dâu thảo. Là dâu trưởng, tôi được bố mẹ chồng mặc định lo toan chuyện bếp núc cho cả gia đình trong mấy ngày Tết.
Tôi không giỏi bếp núc, quanh năm chỉ bám quán ăn, nhà hàng nên việc nấu nướng ngày Tết trở thành gánh nặng. Đã thế, mẹ chồng tôi lại thuộc tuýp người khó tính, khắt khe.
Ngày đầu về, bà đã hối tôi dậy sớm, đi chợ mua lá dong, lạt, đậu xanh, thịt… về gói bánh. Đi từ sớm đến trưa, tôi cũng chưa chọn được lá dong to, dài, không úa, lạt mỏng, dẻo, không mốc, đậu xanh đều hạt, thịt không quá mỡ, không quá nạc như lời bà dặn.
Về trễ, từ đầu ngõ, tôi đã nghe mẹ và em chồng xì xào chuyện "con dâu thành phố chỉ biết chất đồ gói sẵn lên xe đẩy trong siêu thị rồi tính tiền". Bà cũng cằn nhằn chuyện tôi không biết mua thêm những thứ cần thiết mà bà quên dặn.
Ngày gói bánh chưng, bà bóng gió chuyện để móng tay dài mất vệ sinh, làm rách lá, khiến đôi tay không khéo léo. Dù tiếc đứt ruột nhưng tôi cũng phải cắn răng cắt bỏ bộ móng tay mới làm của mình.
Tôi mừng vì Tết trôi qua thật nhanh bởi hết Tết, tôi cũng kết thúc vai diễn vợ hiền, dâu thảo. Ảnh minh họa: PX.
Bố chồng tôi dù không xét nét chuyện bếp núc nhưng cũng tạo cho tôi những áp lực vô hình. Ông muốn tôi sang trọng, quý phái nhưng vẫn phải thân thiện, ngây thơ trong mắt anh, em của mình.
Mỗi khi gia đình anh, em đến chơi, ông luôn muốn họ nhìn thấy con dâu của mình là người giàu có, trí thức, sang trọng nhưng vẫn thân thiện. Ông bắt tôi ăn mặc như dân công sở lúc tiếp khách và cả khi vặt lông gà...
Trong Tết, tôi không có ngày nào ngủ đủ giấc. Với ai đó, Tết có thể là thời gian nghỉ ngơi nhưng với tôi, Tết là lúc công việc chân tay ngập đầu. Sáng sớm, tôi phải dậy để chuẩn bị đón khách đến chúc Tết.
Mỗi lượt khách, tôi đều phải dọn mới mâm cơm. Bởi, bố chồng tôi luôn nài nỉ khách ở lại uống với mình ly rượu Tết. Dù chỉ là uống ly rượu, ông cũng yêu cầu vợ, con dâu chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn như một cách chứng minh nhà ông giàu có, đủ đầy, vợ giỏi, dâu hiền…
Hết lượt bố chồng, tôi lại phải phục vụ bạn bè của chồng đến chè chén, hát hò. Cũng như cha, chồng tôi cũng thích thể hiện mình có vợ hiền. Bạn bè càng đông, anh càng thích sai vợ làm chuyện lặt vặt.
Thay vì để vợ ngồi chung mâm, anh hết sai tôi dọn bàn, cắt bánh lại bắt đi pha nước, gọt trái cây... Thiết nghĩ chỉ còn việc dắt xe, treo quần áo cho bạn là anh chưa bắt tôi làm.
Sáng tôi vừa phụ giúp vừa chịu trận nghe mẹ chồng xỉa xói chuyện “làm đàn bà mà không biết chuyện bếp núc”. Chiều, tôi lại vùi mình trong đống chén bát, thức ăn thừa.
Đó là khâu tôi sợ nhất mấy ngày Tết. Ngoài việc phải nhúng tay vào nước lạnh như băng để rửa đống chén bát đông mỡ trắng xóa, tôi còn phải đau đầu tìm cách xử lý thức ăn thừa.
Mẹ chồng tôi là người tiết kiệm. Bà không muốn con dâu bỏ những đĩa thức ăn chỉ vừa được khách chạm đũa 1-2 lần. Dẫu vậy, bà cũng không muốn tôi hâm lại vì như thế món ăn sẽ mất vị, mất ngon. Bà muốn tôi dồn vào tủ lạnh hoặc hoặc bảo quản thế nào đó để món ăn không thiu, không hỏng.
Những yêu cầu vô lý của bà khiến tôi mệt mỏi. Hệt như chiếc tủ lạnh bị nhét đầy thực phẩm sống lẫn thức ăn thừa, tâm trí tôi bội thực những khó chịu, tức tối.
Đã thế, tôi không có ai để chia sẻ. Về nhà bố mẹ, chồng tôi như vua chúa. Anh suốt ngày tụ tập bạn bè ăn uống, hát ca. Hết tiệc tùng ở nhà, anh lại theo bạn bè đến nơi khác chè chén.
Đêm về, nếu không tụm năm tụm ba đánh bài đến sáng, anh cũng ngủ ngáy như sấm rền, người nồng nặc mùi rượu, bia. Mấy ngày Tết, thấy bạn bè khoe ảnh du xuân, quây quần bên gia đình, người thân, tôi càng thêm tức.
Không chỉ không được nghỉ ngơi, du lịch tận hưởng không khí đầu xuân, tôi còn làm những việc mà trong năm chưa từng làm. Không muốn gia đình mất vui mấy ngày Tết, tôi nuốt cục tức vào lòng, đếm từng ngày được về lại thành phố.
Cuối cùng Tết cũng trôi qua. Đêm ngồi xếp quần áo để trở về thành phố mà tôi hạnh phúc, hồi hộp như sắp bỏ trốn theo người tình. Đến lúc này, tôi mới thực sự được nghỉ Tết và trở lại với cuộc sống của chính mình.