Theo nghiên cứu sơ bộ, việc ăn chậm có thể khiến bạn ít có nguy cơ bị béo phì hoặc mắc các hội chứng về chuyển hóa thức ăn. Bên cạnh đó, thói quen ăn nhanh có thể gây ra sự biến động đột ngột của lượng đường trong máu, dẫn đến tình trạng kháng insulin.
Hội chứng chuyển hóa là sự kết hợp của các chứng rối loạn làm tăng nguy cơ bệnh tim, đái tháo đường và đột quỵ. Dấu hiệu của hội chứng này bao gồm tình trạng béo bụng, lượng đường trong máu cao, huyết áp cao, triglyceride cao hoặc cholesterol HDL thấp.
Theo nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ năm 2017, việc ăn chậm hơn có thể là chìa khóa giúp cho bạn có sức khỏe và cơ thể khỏe mạnh.
|
Ảnh minh họa. |
Vào năm 2008, một nhóm từ Đại học Hiroshima ở Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu 642 nam giới và 441 phụ nữ với độ tuổi trung bình là 51,2 và không ai trong số họ bị hội chứng chuyển hóa. Những người tham gia được chia thành 3 nhóm dựa trên cách họ mô tả tốc độ ăn uống trung bình của mình: nhanh, bình thường hoặc chậm.
Sau 5 năm, các nhà nghiên cứu đánh giá lại những người tham gia. Họ nhận thấy rằng những người ăn nhanh có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn người ăn bình thường và người ăn chậm với tỉ lệ lần lượt là 11,6%, 6,5% và 2,3%.
Cũng theo nghiên cứu, ăn quá nhanh cũng dẫn đến tăng cân, vòng eo lớn và chỉ số đường huyết cao hơn. Tập trung lúc ăn uống và ăn chậm nhai kĩ giúp cho não nhận được tín hiệu đầy đủ, do đó tiêu hóa thức ăn sẽ hiệu quả hơn.
Takayuki Yamaji, tác giả nghiên cứu và là bác sĩ tim mạch của Đại học Hiroshima, Nhật Bản cho biết: “Ăn chậm là một thói quen cần thiết để ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa. Khi mọi người ăn nhanh họ thường không cảm thấy no dẫn tới ăn quá nhiều. Ăn nhanh làm cho lượng glucose biến động nhanh hơn, gây ra tình trạng kháng insulin. Chúng tôi cũng tin rằng nghiên cứu này giúp cho nhiều người thay đổi thói quen ăn nhanh, đặc biệt là người Mỹ”.