"Một lần chuẩn bị làm phẫu thuật ghép da, tôi thấy cha khóc nấc thành tiếng. Ông nói với bác sĩ: 'Da tôi nhiều lắm, lấy của tôi được không? Con tôi đau lắm rồi, không còn da để lấy nữa'. Nghe cha nói, tôi như chết lặng. Tôi nhắm mắt giả vờ ngủ, trong đầu loáng thoáng suy nghĩ đến cái chết", Hồng Kim Huôi nghẹn ngào kể về người cha luôn ở bên chăm sóc cô suốt 6 năm chiến đấu với bệnh tật.
Cha là nguồn động lực lớn nhất để cô vực dậy, trở lại hòa nhập với xã hội, sống cuộc đời của một người bình thường.
Không cúi đầu trước số phận
Đến giờ, 9X Kiên Giang vẫn nhớ rõ hôm cô bị nạn. 12h ngày 3/11/2013, khi đang chào hàng xóm để về quê làm đám hỏi, Huôi bất ngờ bị Nguyễn Văn Dũng (Bến Tre) tạt axit. Dũng để ý đến cô đã lâu nhưng không được đáp lại tình cảm nên tìm cách trả thù tình.
|
Kim Huôi bị thương tật 44% cơ thể. |
"Da như bị tan chảy, nóng rát, quần áo cháy sém, tôi sờ thấy chất nhầy giống bột trên mặt mình. Vài giây sau, em gái tôi hô lên đó là axit. Mọi người xung quanh la hét tìm nước. Tôi chạy vào nhà gần đó xin nước nhưng họ đóng cửa lại vì sợ liên lụy. Thấy thau nước gần đó, tôi vội lấy đổ vào người", Huôi nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Cô gái sinh năm 1990 bị thương tích 44% cơ thể, 1/2 gương mặt bị hủy hoại, da cổ và ngực bị bỏng sâu.
Sau 6 năm kiên trì điều trị, giờ đây, Huôi lấy lại được khoảng 90% diện mạo. Tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế, khả năng ngoại ngữ tốt, 9X tham gia công việc kinh doanh của gia đình. Mọi công việc về kế toán, giấy tờ, cô đều có thể lo liệu.
"Cha tôi từng nói: 'Trên đời này không có gì là khổ mãi, con phải chấp nhận hiện thực để vươn lên. Thay vì thời gian lo khóc lóc, ủ rũ, con còn tay, còn chân, còn tri thức, nên phải tìm cách điều trị cho bản thân mình. Nếu con không mở lòng mình trước, không ai có thể giúp được'. Tôi coi những lời của cha như động lực để sống vui vẻ, lạc quan mỗi ngày", Huôi xúc động nói.
Từ đó, thay vì mặc chiếc áo thật kín để che đi những vết sẹo, Huôi không còn tự ti về chúng. Những điều khiến cô cảm thấy hạnh phúc cũng rất giản dị. Cô chia sẻ: "Chỉ cần được ở nhà, ăn thứ mình thích, tự làm điều nhỏ nhặt, không phải đến bệnh viện đã rất vui rồi. Khi thấy buồn chán, tôi nghĩ đến những điều đó để tự thức tỉnh mình".
Huôi cho hay cô sẽ tiếp tục điều trị, cố gắng làm tốt công việc để giúp đỡ gia đình nhiều hơn. Mục tiêu sống của cô là có thể trở thành động lực và chia sẻ cùng những người bị tạt axit.
Hơn 20 lần phẫu thuật tìm lại diện mạo
Khi ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để cấp cứu, cô không biết đến sức tàn phá kinh khủng của axit lên cơ thể mình. "Ngày đó, tôi ngây ngô đến mức nói các bác sĩ cấp cứu nhanh để về quê làm đám cưới. Bác sĩ muốn cạo đầu, tôi không đồng ý, vì phải để tóc làm cô dâu", Huôi cười, kể lại.
|
9X đã lấy lại 90% diện mạo trước đây sau 20 lần phẫu thuật. |
Ở bệnh viện, Huôi bị nhiễm trùng nặng. Cô kể nhiều đêm mê sảng, liên tục khóc và nói: "Không phải tại con, không phải tại con". Cô nghĩ mình không làm gì sai, sao phải chịu nỗi đau đớn này.
Suốt những ngày nằm viện, cô cứ sốt và mê man như thế. Gia đình cũng giấu Huôi, không cho nhìn hình ảnh của mình trong gương. Mọi việc, cô đều phải nhờ người thân giúp đỡ.
Huôi kể: "Cha tôi 'dụ' chỉ cần con khỏe lại, mọi việc sẽ như xưa. Tôi nghe cha, lạc quan, vui vẻ chiến đấu với bệnh tật. Máu chảy, tôi chùi đi, ói lại tiếp tục ăn. Nhưng trong thâm tâm, tôi nghĩ mình cố gắng vì cha mẹ và các em. Tôi không muốn họ khổ thêm vì mình. Những ngày đó, tôi nuốt nước mắt để cười".
Sau 2 tháng, cô được bác sĩ cho về nhà. Lúc này, cha Huôi mới cho cô xem những hình ảnh cơ thể bị biến dạng của mình. Huôi sốc. Cô gái mất nhiều ngày sau đó để chấp nhận sự thật.
Hai lần lọc hoại tử, 3 cuộc phẫu thuật ghép da, sau ca mổ nào, Huôi cũng bị nhiễm trùng. Mỗi lần thay băng, nước muối đổ từ trên đầu xuống, băng gạc, máu rơi ra, cô đau đến mức không khóc nổi, cắn môi bật máu cũng không thấy đau. Với cô, những ngày ở viện như "địa ngục trần gian".
"Mình cố chịu đau rồi mai sẽ hết. Mình phải sống mạnh mẽ, hình hài biến dạng nhưng tâm phải tỉnh táo", Huôi cứ tự động viên mình như thế.
Trải qua hơn 20 cuộc phẫu thuật, nhiều lần cô phải bay từ Phú Quốc ra Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) để điều trị. Cô tâm sự mỗi lần phẫu thuật là máu và nước mắt hòa trộn. Khi vết thương liền da, chúng ngứa và đau nhức khủng khiếp. Nhiều lần vết thương hoại tử, Huôi phải cắt và khâu sống. Cô cảm giác mình chẳng thể nào khổ hơn được nữa, dần trở nên lỳ lợm, ngay cả đau cũng không còn sợ.
"Bây giờ, mỗi lần đọc báo, tôi thấy ai bị bỏng đều tìm thông tin của họ để nhắn tin chia sẻ. Rất ít trường hợp họ trả lời, có người không tin, song tôi vẫn làm. Tôi chỉ mong mọi người có thể rút ngắn được thời gian điều trị và đỡ đau hơn", cô tâm sự.
*)Title do Kiến Thức biên tập lại