Bệnh viện Thể thao Việt Nam là một dự án quan trọng, được đưa vào khai thác để phục vụ SEA Game 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003 và phục vụ việc khám chữa bệnh cho vận động viên, công chức, viên chức trong ngành nhưng kể từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, dư luận đã phải chứng kiến và hết sức bất bình với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Bệnh viện Thể Thao Việt Nam.
Nghi vấn Bệnh viện Thể thao Việt Nam tuồn que test Trung Quốc vào xét nghiệm
Theo thông tin đăng trên báo ĐS&PL, ông V.T.D. (SN 1969, trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, ngày 4/5 có đi khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện Thể thao Việt Nam. Tại đây, ông được bác sỹ phòng khám chỉ định đi làm các xét nghiệm máu bao gồm xét nghiệm HbsAg (virus viêm gan B) và HIV.
|
Que thử ông D chụp lại nghi ngờ là que thử nghi ngờ là xuất xứ Trung Quốc. |
|
Kết quả ông D nhận được từ Medlatec không khớp với kết quả của bệnh viện Thể thao. |
Sau khi lấy máu, khoảng 15-20 phút sau thì nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với virus HbsAg (viêm gan B), ông V.T.D. cảm thấy vô cùng hoang mang. Tuy nhiên, cẩn thận hơn, ông D. tìm đến một cơ sở khám chữa bệnh khác trên địa bàn thì lại nhận được kết quả hoàn toàn trái ngược. Ông D. nghi ngờ, bệnh viện Thể thao Việt Nam sử dụng que test Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn vào xét nghiệm của mình.
Ngay sau đó, ông đã quay lại bệnh viện Thể thao Việt Nam để làm rõ về kết quả xét nghiệm dương tính như kể trên. Một cuộc họp giữa ban Giám đốc, ông D. và người phụ trách kho, chuyên môn giữ test được tiến hành ngay sau đó. Khi nhìn bức ảnh về que thử của ông D., TS.BS Võ Tường Kha – Phó Giám đốc bệnh viện khẳng định, đây không phải là que test được sử dụng trong bệnh viện và cho người mang que test “xịn” ra để đối chứng. Khi test “xịn” được đưa ra thì là loại que test của Hàn Quốc.
Bác sỹ Kha khẳng định, que test mà ông D. chụp là test giả, tuy nhiên không lý giải được vì sao lại được sử dụng trong bệnh viện, ai là người đưa test giả vào sử dụng cho bệnh nhân.
Lãnh đạo BV Thể thao VN ký xác nhận "khống"
Bệnh viện Thể thao Việt Nam ra đời trên cơ sở của Trung tâm Y học thể thao theo Quyết định:1171/2006/QĐ-UBTDTT ngày 30/6/2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao. Từ khi thành lập đến năm 2015, đơn vị này không có chuyên khoa Da liễu. Nhưng bác sỹ công tác tại Bệnh viện vẫn được cấp chứng chỉ hành nghề này.
Cụ thể, người được cấp chứng chỉ này là Bác sỹ Chu Văn Tấn (Trưởng khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng). Theo hồ sơ kê khai, ông Chu Văn Tấn tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1989, chuyên khoa Ngoại sản; Năm 1998 – 2000 ông học Chuyên khoa I Da liễu và được bổ nhiệm Phó khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang năm 2001; Tháng 8/2004 chuyển về công tác tại Trung tâm Y học thể thao; Tháng 05/2007 được giữ chức vụ Phó Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam.
|
Giấy xác nhận quá trình thực hành mà BV Thể thao Việt Nam cấp cho ông Chu Văn Tấn. |
Từ năm 2004 đến 2015, bác sỹ Chu Văn Tấn đã không hoạt động chuyên môn về Da liễu tại một cơ sở được cấp phép nào. Nhưng ông Chu Văn Tấn vẫn làm đơn đề nghị lên Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y Tế) để xin cấp chứng chỉ hành nghề Da liễu.
Mặc dù biết BV Thể thao Việt Nam không có Khoa Da liễu, nhưng bác sỹ Nguyễn Văn Phú (Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn) đã xác nhận "khống" cho bác sỹ Chu Văn Tấn thời gian hành nghề tại Bệnh viện. Giấy xác nhận số: 03/GXNTH, ngày 04/10/2013 xác nhận cho ông Tấn thời gian thực hành tại BV Thể thao Việt Nam từ năm 2004 và đánh giá năng lực chuyên môn: “Thực hiện tốt công tác khám và điều trị cho bệnh nhân Da liễu không xảy ra sai sót chuyên môn”.
Dựa vào giấy xác nhận khống này, bác sỹ Chu Văn Tấn đã “lo” được thủ tục để Cục Quản lý Khám chữa bệnh cấp Chứng chỉ hành nghề Da liễu số 0016791 BYT/CCHN ngày 28/02/2014. Chưa dừng lại ở đó, dựa vào Chứng chỉ hành nghề Da liễu số 0016791 BYT/CCHN ngày 28/02/2014 trên, ngày 12/08/2014 bác sỹ Chu Văn Tấn lại làm đơn đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh cấp thêm Quyết định bổ sung được phép hành nghề vật lý trị liệu và phục hồi chức năng số 5316/QĐ/BYT ngày 26/12/2014.
Quyết định bổ sung này dễ gây hiểu nhầm là Chứng chỉ hành nghề mà không cần qua đào tạo chính thức. Vì thời điểm đó ông Tấn không có bất cứ một loại văn bằng chứng chỉ nào về Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, kể cả văn bằng định hướng. Người ký xác nhận thời gian thực hành lần này là ông Nguyễn Văn Quang (Giám đốc BV Thể thao Việt Nam).
Nghi án “tuồn” thiết bị cũ vào Bệnh viện Thể thao
Theo tin tức từ Bản tin Thời sự VTV hồi năm 2014 phản ánh, ngay tại bệnh viện Thể thao Việt Nam đã có một số đối tượng tìm cách nhập một số thiết bị cũ nát về với cái mác của thiết bị mới. Và nghi vấn thiết bị cũ được đưa vào Việt Nam với cái giá của thiết mới cũng được làm rõ.
Một chiếc máy xét nghiệm có giá trên 800 triệu đồng được đưa về phòng xét nghiệm của Bệnh viện Thể thao Việt Nam từ năm 2007 và nằm đắp chăn từ đó. Một quyển sổ ghi chép dặn dò những người quản lý phòng xét nghiệm, rằng cứ 3 tháng phải bật lên 1 lần cho khỏi hỏng hẳn. Người quản lý phòng xét nghiệm cũng thừa nhận, chiếc máy này đã không hề được sử dụng.
Khi phóng viên kiểm tra thì phát hiện, số seri máy được bệnh viện lưu trong hồ sơ nguồn gốc máy lại là số sêri hoàn toàn khác so với số sêri được nhà sản xuất in trực tiếp trên máy. Điều này đặt ra một nghi vấn: Giấy tờ mà bệnh viện đang lưu không phải là giấy tờ gốc thực sự của chiếc máy này, một kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" nhằm để hợp thức hóa cho những chiếc máy không có nguồn gốc xuất xứ.
|
Chiếc máy xét nghiệp có giá trên 800 triệu đồng phải nằm... đắp chăn. |
Ông Võ Tường Kha - Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng thừa nhận, từ năm 2008 bệnh viện liên tục trong tình trạng đi đòi giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các thiết bị y tế.
Đơn vị trúng thầu cung cấp máy là Công ty cổ phần thiết bị y tế Đông Nam Á. Vị này cũng cho biết, bệnh viện thậm chí còn nhiều lần gửi thư đến các hãng cung cấp máy ở nước ngoài để xác minh thông tin về thiết bị y tế mà nhà thầu Đông Nam Á cung cấp. Nhưng câu trả lời của nhà sản xuất là phủ nhận không sản xuất các mã sản phẩm trên.
Cung cấp các thiết bị không có nguồn gốc, nhưng điều bất thường là ngay từ đầu, lãnh đạo Bệnh viện Thể thao lúc đó đã tạm ứng 90% giá trị hợp đồng cho Công ty Đông Nam Á cầm gần như hết số tiền bán máy. Thế nhưng trong gần 4 năm, công ty này mới chuyển được 3 trong tổng số 7 máy bán cho bệnh viện.
Cho đến giờ thì đơn vị này đã chuyển đi đâu không rõ, lãnh đạo bệnh viện cũng đã thay đổi, Bệnh viện Thể thao đang đứng trước nguy cơ xuất toán đối với một số hạng mục đầu tư thiết bị y tế không có hóa đơn chứng từ.
>>> Mời độc giả xem video: Phòng dịch vụ bệnh viện Bạch Mai mốc meo hôi hám, giá đắt hơn khách sạn 3 sao: