Liên quan đến vụ hàng ngàn hộp thuốc thần kinh giả đã được bán khắp Bắc - Trung - Nam, các nhà thuốc, người tiêu dùng không hề hay biết, chiều 25/4, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP truy tố 6 đối tượng trong đường dây chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.
6 đối tượng bị đề nghị truy tố gồm hai vợ chồng Trần Thị Minh Hằng, 56 tuổi - Trần Hữu Đồng, 50 tuổi, cùng ngụ chung cư Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 10, TP.HCM và Trần Hữu Tâm (53 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM), Dương Hồng Sơn (42 tuổi, ngụ Phú Yên), Nguyễn Đình Thanh (48 tuổi, ngụ Bình Định), Võ Văn Thao (41 tuổi, ngụ TP.HCM).
|
Kiểm tra tang vật sau khi thu giữ và bị can Trần Thị Minh Hằng khi bị bắt tại cơ quan điều tra (ảnh nhỏ) - Ảnh: MINH HOÀI. |
Theo lời khai và tài liệu chứng cứ thu thập được, PC46 kết luận: Hằng bắt đầu sản xuất tân dược giả từ đầu tháng 10/2016, các loại thuốc bị làm giả tập trung chủ yếu là Terneurine (thuốc trị bệnh về thần kinh) và một số loại thuốc giảm đau, chống thiếu máu, thiếu vitamin khác như Becozyme, Voltaren...
Không chỉ tự sản xuất, Hằng còn hướng dẫn phương pháp sản xuất cho cả Nguyễn Đình Thanh để Thanh tự tay sản xuất thuốc giả từ một số nguyên liệu do Hằng cung cấp. Từ tháng 8/2016, Thanh đã làm giả khoảng 20.000 hộp thuốc các loại, chuyển lại cho Hằng bán. Một phần Thanh tiêu thụ hết tại khu vực Bình Định và một số nơi khác.
Thông tin hàng chục ngàn hộp thuốc giả Terneurine, Becozyme, Voltaren... bị làm giả, được tiêu thụ hết trên thị trường trong thời gian dài khiến nhiều người hoang mang, liệu người bệnh dùng thuốc giả trong thời gian dài tác hại thế nào?
Trả lời báo Sài Gòn Giải Phóng về tác hại của thuốc giả, một số bác sĩ của Trung tâm Chống độc cho rằng, thuốc dùng để chữa bệnh và người ta chỉ sử dụng thuốc khi mắc một bệnh nào đó. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng phải thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng, thì việc điều trị bệnh không mang lại hiệu quả và còn để lại những hậu quả khôn lường.
Mời độc giả xem video Thuốc giả nhưng bệnh thật và nỗi đau của bệnh nhân ung thư (nguồn: VTC14):
Mặc dù số trường hợp ngộ độc, dị ứng thuốc do dùng phải thuốc kém chất lượng không phải quá phổ biến nhưng khi người bệnh uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, cơ thể hay gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy - các biểu hiện của tác dụng phụ phổ biến.
Các kim loại nặng và các chất độc có thể gây triệu chứng nhiễm độc bao gồm thay đổi chức năng tim, biến đổi nồng độ đường huyết, khó thở hay suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng của cơ thể, thậm chí có thể gây sốc phản vệ đe dọa tính mạng.
PGS-TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội cho biết, thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí gây tử vong. Tệ hơn, ngay cả khi chất lượng của thuốc giả mạo có lượng hoạt chất tương đương với sản phẩm chính hãng thì thuốc giả vẫn rất nguy hiểm vì nó không có bất kỳ sự đảm bảo nào về các điều kiện sản xuất.
Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong giới hạn từ 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.
Mặc dù thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng ảnh hưởng của nó tới sức khỏe, tính mạng người bệnh lại vô cùng nguy hại. Theo Cục Quản lý dược, do triển khai tập trung các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc nên tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở Việt Nam đã giảm rõ rệt. Tỷ lệ thuốc giả hiện còn dưới 0,1% và thuốc kém chất lượng khoảng 2%.
|
Một lượng lớn thuốc giả được phát hiện trên thị trường.
|
Trao đổi trên báo Sức khỏe đời sống, PGS.TS. Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng bộ Y tế, cố vấn của WHO cho biết: Những loại thuốc giả có thể gây chết người là thuốc không chứa thành phần hoạt chất hoặc chứa các chất hóa học khác không có hiệu lực điều trị bệnh mà còn làm bệnh nặng hơn. Ngoài ra sử dụng thuốc giả đẩy mạnh quá trình phát triển bệnh tật khi cả bác sĩ và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc. Một số thuốc sản xuất tại cơ sở không hợp vệ sinh chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc.
Đối với người bị tăng huyết áp, đái tháo đường hay những người mắc bệnh mạn tính nói chung gần như phải dùng thuốc suốt đời. Thế nhưng nếu người bệnh dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng thì tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Nguy hại hơn, hoạt chất, thậm chí tá dược chứa trong thuốc kém chất lượng, không tinh khiết và lẫn độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong.
Về mức độ gây hại, thứ nhất thuốc giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thứ hai thuốc giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà sản xuất, của các hãng dược phẩm chân chính.
Theo Cục Quản lý dược, do triển khai tập trung các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc nên tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở Việt Nam đã giảm rõ rệt. Tỷ lệ thuốc giả hiện còn dưới 0,1% và thuốc kém chất lượng khoảng 2%.
Trong khi đó, hàng năm, hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy từ 30.000 - 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng thuốc. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành không ít các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng.