Trong chương trình Chị em chúng mình, Hari Won tâm sự về chuyện sinh con. Bà xã Trấn Thành nói: "Bản thân tôi, từ xưa đến bây giờ luôn khao khát chuyện có con. Khi dưới 30 tuổi, lúc nào tôi cũng cân nhắc chuyện nếu muốn có con thì phải có kinh tế ổn định. Nếu không có tiền lo cho con, tôi không chịu nổi. Sau 30 tuổi, tôi tự kiếm tiền và mua được một căn nhà cho bản thân. Nhưng hiện tại thì...".
Hari Won nghẹn ngào khi chia sẻ về tình hình sức khỏe hiện tại. Cô cho biết chưa thể sinh em bé vì căn bệnh ung thư cổ tử cung chưa chấm dứt hoàn toàn, có nguy cơ tái phát.
|
Hari Won cho biết sức khỏe của cô vẫn chưa ổn định và khó có thể mang thai. |
Hari Won bị ung thư cổ tử cung và từng phải mổ 2 lần cách đây 5 năm. Mới đây, nữ ca sĩ chia sẻ: "Mình nghĩ ổn rồi. Nhưng mới đây, tôi đi khám lại thì mới biết vẫn còn viêm. Tôi đã phải cắt rất nhiều. Căn bệnh này không có cách nào điều trị được, miễn là tôi phải khỏe, miễn dịch tốt thì mới tự tiêu diệt tế bào ung thư. Nếu sức khỏe tệ đi, bệnh sẽ tái diễn. Vấn đề là cổ tử cung của tôi bây giờ bị ngắn quá. Nếu lần này bị lại, có thể tôi sẽ bị... vô sinh", Hari Won rơi nước mắt khi tâm sự cùng các đồng nghiệp.
Hari Won từng bị ung thư cổ tử cung cuối năm 2012 nên đã phẫu thuật tử cung 2 lần, bây giờ tử cung của cô ngắn hơn người bình thường, khi mang bầu sẽ khó giữ được em bé và rất nguy hiểm. Một phần nữa là nếu có con thì Hari Won sẽ không làm được gì cả trong vòng 2 năm tới.
Rất may, cô phát hiện ra bệnh ung thư vào giai đoạn đầu nên đã điều trị kịp thời và qua khỏi. Dẫu vậy, di chứng của nó vẫn khiến Hari Won dù làm vợ Trấn Thành đã lâu nhưng chưa thể sinh con.
Những dấu hiệu ung thư cổ tử cung phụ nữ cần cảnh giác
TS-BS. Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng bộ môn Ung thư Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, mỗi năm Việt Nam có đến 5.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới, trong đó có khoảng một nửa ca bệnh gây tử vong. Tính trung bình mỗi ngày có 14 người mắc ung thư, trong đó bảy người tử vong vì căn bệnh này.
Bệnh không liên quan yếu tố di truyền và gia đình mà chủ yếu do nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus) - virus gây u nhú ở người lây nhiễm qua tiếp xúc sinh dục (kể cả quan hệ bằng tay, miệng); truyền qua đồ lót, găng phẫu thuật, kềm bấm sinh thiết; từ mẹ sang con khi sinh nở... Các chủng HPV 16 và HPV 18 là thủ phạm gây ra khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung, còn lại do các chủng HPV nguy cơ cao khác. Khi nhiễm HPV không đồng nghĩa bị ung thư cổ tử cung ngay mà phải tái nhiễm nhiều lần với HPV nguy cơ cao như HPV 16, HPV 18...
|
Ung thư cổ tử cung có xu hướng trẻ hóa, do độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục của bé gái sớm hơn mười năm trước, dẫn đến nguy cơ nhiễm HPV và ung thư ở tuổi còn rất trẻ. Ảnh minh họa. |
Ung thư cổ tử cung thường xảy ra với phụ nữ độ tuổi 40-60, gặp nhiều ở người 50-55 tuổi. Tuy nhiên, mầm bệnh HPV có thể đã âm thầm tồn tại trong cơ thể hàng chục năm trước. Một số quốc gia ghi nhận căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa, do độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục của bé gái sớm hơn mười năm trước, dẫn đến nguy cơ nhiễm HPV và ung thư ở tuổi còn rất trẻ.
BS. Linh cho biết, triệu chứng ung thư cổ tử cung thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Nếu bỏ qua 10 dấu hiệu dưới đây có thể khiến bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, giảm cơ hội điều trị:
Chảy máu âm đạo bất thường: Khối ung thư phát triển, ăn lan sang các mô lân cận, tạo ra mạch mới, dễ vỡ, gây chảy máu. Chảy máu bất thường xảy ra giữa kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh. Máu thường đỏ tươi, lượng ít, tự ngưng nhưng sau đó lặp lại và tăng dần.
Huyết trắng: Huyết trắng lúc đầu ít, sau tăng dần, có thể loãng hay nhầy, trắng đục hoặc lẫn máu nhầy như máu cá, lâu ngày có mùi hôi.
Đau sau quan hệ: Quan hệ tình dục đau là dấu hiệu quan trọng cảnh báo tổn thương ở đường sinh dục, trong đó có ung thư cổ tử cung.
Đau vùng chậu: Cơn đau âm ỉ, xảy ra bất cứ lúc nào trong tháng và thường xuyên hơn.
Rối loạn kinh nguyệt: Ung thư cổ tử cung có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn bình thường, rong kinh.
Khó chịu khi tiểu: Ung thư cổ tử cung cũng có thể gây khó chịu khi tiểu, gắt buốt.
Tiểu không kiểm soát: Tiểu khó, lắt nhắt, đôi lúc kèm máu, không tự chủ là dấu hiệu cảnh báo ung thư đã lan rộng ra ngoài cổ tử cung.
Giảm cân không rõ lý do: Thường gặp ở giai đoạn muộn, sụt cân cho thấy bệnh đang tiến xa.
Mệt mỏi liên tục: Cơ thể thiếu máu và suy giảm miễn dịch.
Đau chân: Khối ung thư lan ra làm tắc nghẽn dòng máu, gây sưng và đau chân. Đau có xu hướng liên tục và tăng theo thời gian.
Các triệu chứng trên không đồng nghĩa với ung thư mà gặp trong nhiều bệnh khác nên cần được bác sĩ khám để chẩn đoán loại trừ.
Mời độc giả theo dõi video "Sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối, mổ ngồi để cứu con". Nguồn: VTV24.
Chữa khỏi nếu phát hiện sớm
Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền bạn phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
|
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Ảnh minh họa. |
Ung thư cổ tử cung tiến triển qua nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn tiền ung thư, bệnh không có triệu chứng. Phụ nữ không thể tự phát hiện các tế bào bất thường đang nhen nhóm trong cơ thể nếu không đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát định kỳ. Các dấu hiệu bệnh chỉ xuất hiện ở giai đoạn sau, khi khối bướu phát triển, xâm lấn xung quanh và có thể đã di căn xa. Bệnh càng trễ tỷ lệ chữa khỏi càng giảm: giai đoạn đầu khoảng 85-90%, giai đoạn II-III chỉ còn một nửa, mất khả năng làm mẹ. Giai đoạn cuối (IV), dưới 15% bệnh nhân còn sống sau 5 năm...
Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu nhiễm virus HPV, nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vắcxin. Vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung có thể tiêm cho nữ giới 9-26 tuổi, dù đã quan hệ tình dục hay chưa và có hiệu quả bảo vệ cao, giảm 70% nguy cơ. Song song với tiêm ngừa, phụ nữ nên xét nghiệm tầm soát và sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ. Phụ nữ 21-29 tuổi nên xét nghiệm tế bào học đơn thuần ít nhất ba năm một lần. Ở độ tuổi 30-65, phải thực hiện xét nghiệm HPV và tế bào học mỗi năm năm… Ngoài ra, khi có các dấu hiệu bất thường về phụ khoa phải đến bác sĩ khám ngay.
BS. Linh lưu ý, bao cao su không hoàn toàn phòng được virus gây ung thư cổ tử cung như nhiều người lầm tưởng, bởi HPV dễ lây truyền khi tiếp xúc vùng sinh dục không được bao cao su che phủ, gián tiếp qua quan hệ bằng tay, đồ lót... Bên cạnh thăm khám phụ khoa và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ, phụ nữ cần duy trì chế độ ăn khoa học, đủ dưỡng chất. Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng sức đề kháng để loại bỏ HPV khỏi cơ thể. Thiết lập lối sống lành mạnh, sinh hoạt tình dục an toàn, hạn chế số bạn tình và chung thủy với một người.