Những ngày gần đây, xu hướng các ca nhiễm tăng nhanh tại nhiều địa bàn của Hà Nội với nhiều ổ dịch phức tạp. Một số tổ chức, đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ và người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh, không thực hiện nghiêm quy định 5K.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 chưa đạt độ bao phủ theo yêu cầu và người dưới 18 tuổi chưa được tiêm; nguy cơ, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó lường.
Do đó, từ ngày 17/11, Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung, điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.
Cụ thể, TP chủ động xây dựng phương án thu dung, điều trị người bị nhiễm SARS-CoV-2 với các kịch bản cao theo mô hình tháp 3 tầng.
Thí điểm thu dung, điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.
Hà Nội lập 5 cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ ở 5 quận, huyện, với tổng cộng 1.150 giường.
Các cơ sở đặt tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn, quận Long Biên với quy mô 150 giường. Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức - quy mô 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh). Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn - quy mô 200 giường. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì - quy mô 300 giường. Trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức - quy mô 200 giường.
|
Khu vực phong tỏa tại Quốc Oai sau khi ghi nhận nhiều ca mắc mới. |
Hà Nội cũng mở rộng cơ sở thu dung, điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm. Rà soát và mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị tại các cơ sở thu dung của TP, các Bệnh viện tuyến huyện và tuyến TP.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng huy động các bệnh viện, cơ sở y tế của Bộ, ngành Trung ương, các Trường Đại học, cao đẳng Y dược và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để tham gia công tác thu dung điều trị người bệnh COVID-19.
TP cũng rà soát các cơ sở thu dung điều trị, huy động nhân lực y tế (bác sĩ, sinh viên, học sinh, y bác sĩ đã nghỉ hưu) tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu.
Trước đó, tối 15/11, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng đã ký văn bản về việc bổ sung đối tượng cách ly tập trung y tế là người tiếp xúc gần (F1) do người cách ly tự nguyện chi trả chi phí tại các khách sạn cách ly.
Theo đó, trong số 23 khách sạn trên địa bàn thành phố được lựa chọn là địa điểm cách ly y tế tập trung, 12 cơ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Đông, Ba Đình, Sóc Sơn sẽ được đón đối tượng F1 do người cách ly tự nguyện chi trả phí.
Văn bản nêu rõ, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch COVID-19 tại 23 khách sạn trên địa bàn với tổng số 2.640 phòng, tương đương 4.253 giường. Từ ngày 1/6/2020 đến ngày 11/11/2021, các khách sạn này đã đón và phục vụ 107.120 khách, trong đó đã hoàn thành cách ly y tế tập trung là 106.237 khách.
Những ngày gần đây, ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tiếp tục tăng. Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 16/11, TP ghi nhận 150 trường hợp COVID-19 mới, ngày 15/11 con số mắc mới lên tới 289 ca.
Trong đợt dịch thứ tư (từ 27/4), địa bàn Hà Nội đã ghi nhận tổng số 6.481 ca COVID-19, gồm 2.346 trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng và 4.135 người được cách ly từ trước.