Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh vừa cho biết trong tuần từ 3-9/7, chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội ghi nhận nhận 903 trường hợp mới mắc sốt xuất huyết. Các quận có tỷ lệ mắc cao là Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông, Ba Đình.
Tính từ đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 4.147 trường hợp, trong đó có một trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5.
Ông Đặng Quang Tấn - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cũng cho hay hiện sốt xuất huyết đang vào mùa dịch, diễn biến mắc theo tuần có xu hướng tăng. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 48.898 trường hợp mắc sốt huyết, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%, số trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp.
Chỉ riêng trong tuần vừa rồi, ghi nhận thêm 3.114 trường hợp mới mắc và một trường hợp tử vong tại Tiền Giang.
|
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Ông Tấn cho biết chỉ riêng miền Bắc, số ca mắc tăng cao tới 404% (tăng 2.163 trường hợp). Nguyên nhân là năm 2017, khu vực Hà Nội mùa hè đến sớm, không có đợt rét tháng 3 nên đàn muỗi có điều kiện phát triển, kết hợp với sự cố vỡ nước sông Đà dẫn đến việc người dân tăng trữ nước tạo điều kiện cho bọ gậy, loăng quăng phát triển.
Ngoài ra, rất nhiều công trình xây dựng đang triển khai trong khu vực dân cứ và nhiều khu tập thể cũ gia tăng, kết hợp các khu nhà trọ của công nhân lao động có điều kiện vệ sinh kém cũng là nguy cơ cho loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết, người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.