Tỉnh Nam Định đã tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người.
Sở Y tế tỉnh Nam Định đã có công văn gửi các địa phương, đơn vị, phòng y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Đặc biệt, lưu ý các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết để báo cho Trung tâm y tế huyện, thành phố, Trung tâm y tế dự phòng lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp các ly, điều trị, phòng chống dịch bệnh.
Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan thú y thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm để nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định an toàn về phòng chống dịch; chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra. Các địa phương chú trọng công tác truyền thông, giáo dục phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng.
Bác sỹ Lại Tuấn Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định cho biết: Ngay khi nhận được thông tin trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N1, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử cán bộ xuống vùng dịch cùng với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn phòng ngừa dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người. Tất cả những người ở các hộ có gia cầm ốm, chết và những người thực hiện nhiệm vụ trong vùng dịch, tham gia tiêu hủy gia cầm đều được lập danh sách theo dõi, báo cáo sức khỏe hàng ngày.
|
Dịch cúm H5N1 đang bùng phát. |
Nhằm kiểm soát dịch cúm gia cầm, phòng ngừa lây lan, nâng cao ý thức tự phòng trong cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định đã có công văn đề nghị các địa phương, Trung tâm y tế các huyện, thành phố, Trạm y tế phối hợp với Ban Thú y 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình cúm gia cầm trên địa bàn để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Đến thời điểm này, tại Nam Định chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm cúm liên quan đến gia cầm. Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống dịch, ngành y tế Nam Định yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra.
Theo đó, nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ cao liên quan đến gia cầm ốm, chết, xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao liên tục trên 39 độ C; đau đầu, đau mỏi cơ, đặc biệt là đau tăng khi ho; ho, đau họng; đau nhức cơ bắp. Một số bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, khó thở…sẽ được đưa vào phòng cách ly ở các khoa truyền nhiễm tại các bệnh viện trong tỉnh, sau đó được chuyển lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp điều trị.
Hiện Nam Định còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh chưa qua 21 ngày, địa phương đang nỗ lực khoanh vùng dập dịch. Đối với 70 người ở các hộ chăn nuôi có gia cầm nhiễm cúm ốm, chết và những người có liên quan trong khu vực có dịch đã được các cơ sở y tế lập danh sách theo dõi tình hình sức khỏe theo quy định. Đến nay, những người này vẫn khỏe mạnh bình thường.
Bác sỹ Lại Tuấn Anh khuyến cáo, bệnh cúm gia cầm lây sang người A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5N1 gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh; tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1; ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh thường diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh cho người.
Do đó, để phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, người dân tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Cùng với đó, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y trên địa bàn xử lý. Nếu thấy có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở liên quan đến gia cầm thì đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.