Theo BBC, hai tập đoàn thời trang nổi tiếng - LVMH và Kering - đưa ra quyết định này trong bối cảnh nhiều ý kiến chỉ trích ngành thời trang đang khuyến khích chứng biếng ăn của giới chân dài.
Những nhà mốt lớn thuộc 2 công ty này có thể kể đến như Christian Dior, Gucci, Louis Vuitton, Givenchy, Yves Saint Laurent, Alexander McQueen, Marc Jacobs, Thomas Pink, Fendi, Stella McCartney...
Theo cam kết, họ sẽ chỉ làm việc với người mẫu có số đo vượt size 32 (theo chuẩn Pháp), tương đương size 6 (Anh) và size 0 (Mỹ). Những nhà mốt này cũng không sử dụng người mẫu dưới 16 tuổi để trình diễn thời trang người lớn.
Ông Francois-Henri Pinault, Chủ tịch tập đoàn Kering, chia sẻ ông hy vọng động thái này sẽ truyền cảm hứng cho ngành công nghiệp thời trang để các hãng khác cũng làm theo.
Trước đó, hồi tháng 5, người mẫu Đan Mạch Ulrikke Hoyer gây xôn xao sau khi tố Louis Vuitton yêu cầu cô nhịn ăn trước show. Tuy nhiên, đạo diễn casting của hãng này đã bác bỏ.
Kế hoạch ngưng chiêu mộ mẫu siêu gầy của LVMH và Kering được đánh giá là bước đi đúng đắn. Bởi giới mộ điệu mong muốn được nhìn thấy những hình ảnh đa dạng hơn trên sàn catwalk, những con người phản ánh đời sống và xã hội thật.
Tại sao có sự thay đổi này?
Thực tế, luật cấm người mẫu siêu gầy có hiệu lực ở Pháp từ tháng 5. Các người mẫu cần có giấy khám sức khỏe toàn diện để đảm bảo đủ tiêu chuẩn làm việc, bao gồm chỉ số cơ thể, cân nặng, chiều cao… Những công ty đại diện hay cá nhân vi phạm sẽ đối diện án phạt 75.000 Euro hoặc ngồi tù lên đến 6 tháng.
|
Dù bị lên án, người mẫu siêu gầy vẫn xuât hiện trên sàn catwalk. Ảnh: Getty. |
Đại diện tập đoàn Kering và LVMH cho hay họ cũng sẽ có một chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa đồng hành cùng người mẫu trong quá trình làm việc.
Ông Antoine Arnault, giám đốc tập đoàn LVMH, phát biểu: "Tôi rất tâm huyết để đảm bảo rằng mối quan hệ công việc giữa các nhãn hàng của tập đoàn LVMH với các công ty quản lý và người mẫu không chỉ đơn thuần là tuân thủ quy định pháp luật".
Còn ông Francois-Henri Pinault khẳng định họ muốn tạo nên sự khác biệt thực sự về môi trường làm việc của giới mẫu.
Những thay đổi về tiêu chuẩn chọn lựa người mẫu nói trên sẽ có hiệu lực trước Pairs Fashion Week, diễn ra trong tháng 9 này.
Người mẫu siêu gầy khuyến khích lối sống không lành mạnh?
Dư luận chỉ trích những gì diễn ra trên sàn catwalk hiện nay như ngầm khẳng định quần áo chỉ đẹp khi khoác lên những cơ thể cao và mảnh mai. Trong khi đó, thực tế, vóc dáng "mình hạc xương mai" không còn là chuẩn mực của cái đẹp đối với nhiều phụ nữ.
Bà Alexandra Shulman, cựu tổng biên tập tạp chí Vogue Anh, cho rằng đó là cách các nhà thiết kế thời trang muốn váy áo của họ được mặc như vậy, chứ không phải hình ảnh mà số đông mong muốn.
Trước đó, Bộ Y tế Pháp cho biết mục đích của luật cấm người mẫu siêu gầy là để hạn chế tình trạng rối loạn ăn uống đang ảnh hưởng sức khỏe của khoảng 50.000 người hiện nay.
Chứng biếng ăn rất phổ biến trong làng mốt. Thế giới từng chứng kiến nhiều trường hợp người mẫu nhịn ăn, ép cân cho đến chết. Chân dài Pháp Isabelle Caro qua đời ở tuổi 28 vào năm 2010 sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh chán ăn.
Ana Carolina Reston, chân dài xinh đẹp đến từ Brazil, cũng là nạn nhân của chứng bệnh này. Cô qua đời năm 2006 khi mới 21 tuổi. Một người bạn thân của cô gái xấu số tiết lộ hàng ngày Ana Carolina Reston chỉ ăn táo và khoai tây.
Vào tháng 3 năm nay, Balenciaga sa thải hai giám đốc casting sau khi những người này bị đồng nghiệp tố bỏ đói khoảng 150 người mẫu trong cầu thang tối suốt ba giờ đồng hồ. Hành động này bị lên án là độc ác và tàn nhẫn.