Vải thiều được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, vải thiều đang thu hoạch vụ sớm, còn vải thiều chính vụ thu hoạch trong tháng 6 và 7.
Đây là loại trái cây nhiệt đới nhiều lợi ích nhưng ăn quá nhiều gây tác động xấu tới sức khỏe.
Lượng thịt trong một quả vải khoảng 10g. Trong 100g vải có 66 calo, 0,83g chất đạm, 0,44g chất béo, 16,5g carbohydrate, 1,3g chất xơ, 71,5mg vitamin C.
Trong quả vải có nhiều vitamin C, chất chống oxy hóa, chất chống viêm và bảo vệ tim mạch.
Cung cấp khoáng chất và vitamin
Vải thiều là nguồn cung cấp nhiều khoáng chất, vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết. Ăn 8 đến 10 quả sẽ cung cấp đủ lượng vitamin C khuyến nghị mỗi ngày cho một người trưởng thành.
Vải thiều cũng rất giàu kali. Ngoài ra, vải không có cholesterol và có lượng natri rất thấp. Loại quả này cũng giúp chống lại tác động của bệnh loãng xương.
Nguy cơ với bệnh nhân tiểu đường
Giống như nhiều loại trái cây, vải có hàm lượng đường rất cao. Đối với người mắc tiểu đường, ăn quá nhiều vải có nguy cơ làm tăng đáng kể đường trong máu. Người bệnh không nên ăn quá 6 hoặc 7 quả vải trong một lần và nên kiểm tra lượng đường trong máu sau khi ăn vải.
Dị ứng thực phẩm và vải
Dị ứng khi ăn quá nhiều vải có thể từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng nghiêm trọng là sưng môi, đau bụng, tụt huyết áp, khó thở và ngất xỉu.
Trong quan điểm y học phương Đông, thực phẩm thuộc hai loại "nóng" và "lạnh". Chế độ ăn uống cân bằng giữa thực phẩm nóng và lạnh là chìa khóa để có một sức khỏe tốt, quan trọng hơn dùng thuốc.
Vải thiều được xem như một loại thực phẩm có tính nóng, giúp giảm đau răng và hen suyễn. Tuy nhiên, ăn quá nhiều vải có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng âm dương và dẫn đến bệnh tật.