Bệnh nhân cấp cứu vào Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vì sốt cao, viêm phổi cấp, không kiểm soát hành vi… trên nền ung thư phổi, di căn xương, não. Bệnh nhân đã được đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện tận tình cứu chữa và dùng thuốc đúng theo chỉ định, phác đồ của Bộ Y tế, trong đó có cả thuốc đặc trị ung thư phổi là thuốc Tarceva. Nhưng giám định viên bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM thì lại thờ ơ, hành đủ thứ giấy tờ, thủ tục đối với bệnh nhân ung thư và thân nhân bệnh nhân. Nếu không thì phải đóng 21.000.000đ (Hai mươi mốt triệu đồng).
Có tóm tắt bệnh án vẫn phải đi chứng minh?
Ngày 25/6, phóng viên thường trú của tòa soạn tại TPHCM nhận được đơn thư tố cáo của chị Phan Minh Thu (45 tuổi, ngụ tại quận 1, TPHCM) về việc giám định viên bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (BVCR) thờ ơ, thiếu trách nhiệm với bệnh nhân BHYT tại bệnh viện này.
Chị Minh Thu cho biết, chồng chị là anh L.M.N. (54 tuổi) cấp cứu vào BVCR TPHCM ngày 20/5 vì sốt cao, viêm phổi cấp, không kiểm soát hành vi... trên nền ung thư phổi, di căn xương, não. Sau cấp cứu bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú, tiêm kháng sinh, truyền dịch, xạ trị và hóa trị theo phác đồ. Tất cả các nhân viên y tế của BVCR TPHCM rất tận tình cứu chữa cho bệnh nhân trong suốt thời gian điều trị bệnh hơn 2 tuần lễ.
Tuy nhiên, đến khi bệnh nhân gần xuất viện thì lại bị giám định viên BHYT – BVCR TPHCM “hành” một cách quá vô lý. Cụ thể: Ngày 8/6, giám định viên BHYT này (BS L.Q.Đ.) không đồng ý cho chồng chị Minh Thu hưởng quyền lợi khi dùng thuốc đặc trị cho bệnh nhân ung thư phổi - thuốc Tarceva hưởng 80% theo quy định của Bộ Y tế mà chỉ được hưởng 50%. Mặc dù, bệnh nhân đã cung cấp đủ các toa thuốc, sổ dùng thuốc mạn tính (thuốc Tarceva), tóm tắt bệnh án chứng minh bệnh nhân đã dùng thuốc đặc trị này trước ngày 31/12/2014.
Vị giám định viên BHYT này cho rằng, bệnh nhân này không nằm trong danh sách của BVCR TPHCM chốt gửi cho Bảo hiểm Việt Nam trước ngày 31/12/2014 nên chỉ được hưởng 50%, còn muốn hưởng 80% thì phải về Bệnh viện Ung Bướu TPHCM nơi đã điều trị trước đó mà điều trị, còn ở đây thì phải đóng tiền. Chị Minh Thu xin gặp để trao đổi trực tiếp nhưng vị giám định viên này không cho gặp mà hẹn giải quyết vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, chị Minh Thu cho biết, ngày 9/6, vị giám định viên BHYT – BVCR TPHCM cũng không cho chị gặp mà yêu cầu gặp Phòng Kế hoạch BVCR TPHCM và thông qua Phòng này thì vị Giám định viên BHYT – BVCR TPHCM đã chỉ đạo qua điện thoại khi chị Minh Thu tiếp xúc với phòng Kế họach Tổng hợp. Theo đó, chồng chị Minh Thu không nằm trong danh sách của bệnh viện nên muốn tiếp tục được hưởng 80% của loại thuốc Tarceva thì phải làm đơn qua Bệnh viện Ung Bướu TPHCM xác nhận thông tin về thời gian dùng thuốc Tarceva thì sẽ xem xét giải quyết sau. Nếu không thì phải đóng số tiền hai mươi mốt triệu đồng cho toa thuốc này.
|
Vòng đeo tay nhập viện của anh L.M.N. |
Đóng mấy chục năm BHYT cuối đời dùng lại bị hành!
Chị Minh Thu nghẹn ngào: Chồng tôi là công chức nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội mấy chục năm nay. Vậy mà không may cuối đời bị bệnh nặng lại bị hành thủ tục như vậy. May mắn là Ban giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cũng đã hỗ trợ nhanh chóng xác minh hồ sơ cho chồng tôi nên cuối cùng ngày 10/6, chồng tôi mới được xuất viện vì đã hoàn tất hồ sơ và thanh toán đầy đủ viện phí.
Ngày 29/6, TS Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT khẳng định: “Quy định của BHYT, Bộ Y tế là nếu bệnh nhân được dùng thuốc trong danh mục thì vẫn tiếp tục được điều trị ở bệnh viện khác nếu bệnh viện đó có thuốc đó. Tất cả bệnh nhân bảo hiểm y tế đều được hưởng quyền lợi của người bệnh khi điều trị đúng tuyến hoặc cấp cứu”.
TS Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, theo Thông tư 31 thì bệnh nhân dùng một số thuốc thuốc đặc trị và có điều kiện thì được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh. Nhưng nếu điều trị từ ngày 1/1/2015 thì theo Thông tư 40, bệnh nhân chỉ được 50% nên sau một thời gian ngắn Bộ Y tế có quy định mới là, nếu những bệnh nhân đã sử dụng phác đồ trước ngày 31/12/2014 thì tiếp tục được sử dụng tiếp lộ trình theo Thông tư 31 tức là 80% chi phí khám chữa bệnh. Trường hợp anh L.M.N. vẫn được hưởng quyền lợi khi điều trị tại BVCR TPHCM.
Cũng qua trường hợp này, TS Phạm Lương Sơn đề nghị, khi điều trị bệnh mạn tính bằng thuốc đặc trị thuộc diện theo Thông tư 31 thì bệnh nhân nên thông báo với bệnh viện rằng tôi thuộc diện được dùng thuốc đặc trị này vì đã dùng trước ngày 31/12/2014 đến hết liệu trình điều trị. Đề nghị giám đốc bệnh viện đó liên hệ với bệnh viện đã điều trị trước để xác minh thông tin đó. Theo TS Lương Sơn thì Bảo hiểm Xã Hội, cụ thể là giám định viên BHYT tại bệnh viện phải bảo vệ quyền lợi cho người bệnh bằng việc kết nối thông tin cho người bệnh, tạo điều kiện cho bệnh nhân BHYT được hưởng đầy đủ các quyền lợi.
Giám định viên BHYT là gì? Nội dung giám định BHYT gồm: Phối hợp với nhân viên y tế tại cơ sở y tế giải quyết vướng mắc về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh; về quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia BHYT và của cơ sở y tế; Đề xuất cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm thuận tiện, giảm phiền hà cho người có thẻ BHYT; Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh tại khoa, phòng điều trị để giám sát, đánh giá chất lượng điều trị đối với người bệnh có thẻ BHYT; Kiểm tra, xác định chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT như việc lập phiếu thanh toán cho người bệnh và bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú, bảo đảm phản ánh đúng các khoản chi và lập theo đúng biểu mẫu quy định...
(Nguồn: Thông tư 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009)