Cuộc đời của bé gái mắc bệnh hiểm nghèo đã được hồi sinh nhờ sự hy sinh của người mẹ ruột đã quyết tâm hiến một phần gan trái để cứu sống con, sự quyết tâm của gia đình cùng sự tận tâm của các bác sĩ.
Theo gia đình cho biết, cháu Phạm Q.C khi sinh ra hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sau sinh 5 tuần, gia đình thấy cháu có biểu hiện vàng da. Cháu được chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh. “Từ đó đến nay cháu đã gần 1 tuổi nhưng thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà.-Anh H, bố cháu Q.C chia sẻ.
Bé QC được nhập viện trong tình trạng vàng da ứ mật nặng và suy gan, để cứu cháu chỉ còn một con đường duy nhất là ghép gan điều trị, gia đình đã tham khảo ý kiến các chuyên gia và chuẩn bị cho việc ghép gan theo lịch vào tháng 2 năm 2020. Tuy nhiên do tình trạng suy gan tiến triển kèm theo các đợt xuất huyết tiêu hóa tái diễn với các diễn biến nặng nề đe dọa nguy cơ tử vong khiến chỉ định ghép gan phải tiến hành khẩn cấp hơn dự kiến để dành lại sự sống cho bé
Chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhi
Chia sẻ về trường hợp của cháu Phạm Q.C, Tiến sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa-Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngày 20/09, khi được chuyển ra Bệnh viện Nhi TW, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi rất kém: trẻ suy gan, da và củng mạc vàng đậm, gan lách to, cổ trướng và phù. Tất cả tập trung tối đa cho ca ghép gan dự kiến sẽ tiến hành 2 tuần sau đó. Trong 2 tuần chuẩn bị gấp rút, tình trạng sức khỏe của bé liên tục có diễn biến xấu, xuất huyết tiêu hóa nặng tái diễn. Nguy cơ xuất huyết trong phẫu thuật và trong thời gian hậu phẫu cũng đã được cân nhắc để chuẩn bị các phương án tối ưu.
|
Ca ghép gan kéo dài 8 giờ diễn ra thành công dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài. |
“Đây là ca ghép đặt ra cho các bác sĩ rất nhiều thách thức do nguy cơ gặp rủi ro trong quá trình ghép rất cao. Thêm vào đó, với những trường hợp bệnh nhi có cân nặng thấp chỉ 6,4kg như bé QC thì kỹ thuật ghép và việc hồi sức sau phẫu thuật cũng sẽ phức tạp hơn nhiều so với các trường hợp khác”- bác sĩ Hoa chia sẻ
Theo tiến sĩ Phạm Duy Hiền, PGĐ bệnh viện Nhi Trung ương, để thực hiện thành công ca ghép gan cho cháu C, các bác sĩ đã phải chạy đua với thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Ca phẫu thuật được diễn ra như một ca “ghép gan cấp cứu”. Với sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam và các chuyên gia tới từ bệnh viện Veterants General Hospital – Đài Bắc, cháu bé đã được hồi sinh nhờ một phần gan của chính mẹ ruột mình.
“Tính tới thời điểm này, đây là bệnh nhân ít tuổi nhất và có cân nặng thấp nhất được ghép gan tại Việt Nam với thời gian thực hiện ghép kỷ lục chỉ trong 8h. Đặc biệt, các BS khoa Ngoại Tổng hợp BV Nhi TW đã từng bước làm chủ kĩ thuật, tự mình thực hiện ca mổ phức tạp một cách an toàn, hiệu quả. Thành công của các ca ghép tạng trẻ em liên tiếp gần đây mở ra cơ hội cho các bệnh nhi mắc các bệnh gan mật bẩm sinh trước đây không thể chữa khỏi, đồng thời mở ra một hướng phát triển mới cho chuyên ngành ghép tạng Việt Nam”-Tiến sĩ Phạm Duy Hiền cho biết thêm.