Đón Tết trong bệnh viện vì ăn tiết canh để lấy may đầu năm

Google News

(Kiến Thức) - Rất nhiều người vì quan niệm: ăn tiết canh đầu năm để lấy may. Tuy nhiên, chính quan niệm đó khiến không ít người phải ăn tết trong bệnh viện.

Thời gian gần Tết, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân về việc không nên ăn tiết canh các loại gia súc, gia cầm vì khả năng lây nhiễm bệnh rất cao. Tuy vậy, nhiều người do thói quen, do tập quán vẫn sử dụng loại đồ ăn nguy hiểm này. Hậu quả là rất nhiều người phải nhập viện ngay sau khi ăn.
Mới đây nhất, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã phải cấp cứu cho 2 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Nguyễn Văn T. (31 tuổi, ngụ Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 29/11 do ăn tiết canh lợn. Anh T. đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Sau khi điều trị tích cực, đến nay sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định.
Trước đó một tuần, bệnh nhân Trần Văn X. (32 tuổi, ngụ Ba Đình, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc, tụt huyết áp. Trước đó, đi công tác Ninh Bình, bệnh nhân này đã ăn nhậu tất niên với bạn và ăn hai bát tiết canh dê để lấy may. May đâu chưa thấy, sau 4 ngày ăn tiết canh, bệnh nhân đột ngột sốt cao rồi nhanh chóng bị hôn mê, vật vã và phải nhập viện.
 Bệnh nhân đang điều trị vì mắc bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh
Liên quan đến vấn đề này, TS.BS. Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, gần như tháng nào bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp bị nhiễm bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh. Đặc biệt, thời gian giáp tết số bệnh nhân nhập viện vì nguyên nhân này năm nào cũng tăng hơn so với tháng bình thường. Không ít trường hợp sau ăn tiết canh lấy “đỏ” thì đã phải điều trị xuyên Tết trong bệnh viện.
Đồng tình với quan điểm trên, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực (bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho hay, vào thời điểm cuối năm, người dân có thói quen mổ lợn và làm tiết canh ăn, số người nhập viện cũng nhiều hơn các tháng trong năm vì thế bệnh nhân mắc phải các căn bệnh do ăn tiết canh cũng tăng lên đáng kể.
Khi mắc các căn bệnh liên quan đến việc ăn tiết canh, nhất là bệnh liên cầu lợn nhiều bệnh nhân bị hoại tử phải cắt bỏ chân, tay thậm chí có bệnh nhân nặng đã tử vong. Hầu hết tất cả bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đều tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc ăn tiết canh lợn.
Theo BS Cấp, khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn. Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó nhận biết ngoài việc sốt cao, rét run. Nếu bệnh nhân nhập viện muộn nguy cơ tử vong là rất lớn.
Các chuyên gia cảnh báo, để phòng bệnh viêm cầu lợn, người dân không ăn thịt lợn ốm, thịt không có nguồn gốc, khi sử dụng cần phải đun chín, tuyệt đối không ăn tiết canh. Khi giết mổ phải có các thiết bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay. Nếu thấy thịt lợn có dấu hiệu lạ như xuất huyết hoặc phù nề thì tuyệt đối không sử dụng.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã kêu gọi người dân không nên ăn tiết canh. "Kinh nghiệm 10 năm chống dịch cho thấy, dịp cuối năm, nhất là lễ ông Công, ông Táo, bà con ta thường mổ lợn, gà, vịt cúng rồi ăn tiết canh. Mồng 1 liên hoan tiết canh thì ủ bệnh, mồng 5 vào viện, mồng 10 chết. Năm nào cũng phải đợi qua ngày 15 tháng Giêng không thấy báo cáo gì mới yên tâm. Vì vậy, phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân không ăn tiết canh nữa”, ông Phát nói.
Lê Phương

Bình luận(0)