Tác dụng
Khi dùng rễ, có thể để nguyên hoặc tẩm rượu gừng 5% rồi sao qua, tẩm thêm 5% mật ong, sao vàng thơm. Đinh lăng có vị đắng, ngọt, tính mát, mùi thơm, không độc, có tác dụng bổ ngũ tạng làm tăng cường sức dẻo dai và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống được hiện tượng mệt mỏi, làm cho cơ thể ăn ngon, ngủ yên, giúp mau lên cân.
Trong rễ đinh lăng có chứa nhiều Saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1. Ngoài ra, rễ cây còn chứa khoảng 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể nhờ đó mà đinh lăng còn giúp cho tăng trí nhớ nên rất tốt cho người lao động bằng trí óc hoặc các sĩ tử trong mùa thi.
Ngoài công dụng trên, rễ đinh lăng thường được dùng để trị ho ra máu, chữa tắc tia sữa, làm mát huyết, lợi tiểu, chữa mẩn ngứa. Lá đinh lăng cũng được dùng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy. Tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, ban sởi, chữa ho ra máu, kiết lỵ.
Bài thuốc
Chữa đau nhức lưng, gối, hoặc tê nhức chân tay, phong thấp: 20 - 30g thân cành sắc lấy nước uống. Có thể phối hợp chung với lá lốt, cúc tần, bưởi bung, rễ mắc cở, mỗi loại 10g, sắc trong 600ml, cô còn khoảng 300ml uống 2 - 3 lần trong ngày, uống vài lần là bớt đau.
Hoặc bài thuốc gồm rễ đinh lăng 12g; cối xay, hà thủ ô, huyết rồng, cỏ xước, thiên niên kiện tất cả 8g, vỏ quít, quế chi 4g, cho vào 600ml nước sắc còn 250ml, khi sắp nhắc khỏi bếp thì hãy cho vị quế chi vào. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.
Ho suyễn lâu năm: Lấy rễ đinh lăng, bác bộ, đậu săn, tang bạch bì, nghệ vàng, tần dày lá tất cả đều 8g, xương bồ 6g, gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng. Lương y