Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt việc sử dụng huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã bình phục làm phương pháp điều trị trong trường hợp khẩn cấp.
FDA cũng xác định việc điều trị COVID-19 bằng huyết tương là một cách tiếp cận an toàn sau khi phân tích 20.000 bệnh nhân đã được điều trị. Cho đến nay, 70.000 bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị bằng huyết tương, FDA cho biết.
“Đây dường như là một sản phẩm an toàn, chúng tôi cảm thấy rất hài lòng", Peter Marks, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của FDA cho hay. Tuy nhiên, FDA cho biết cần phải nghiên cứu kỹ hơn để chứng minh liệu phương pháp điều trị COVID-19 bằng huyết tương có hiệu quả hay không.
|
FDA xác định việc điều trị bằng huyết tương là một cách tiếp cận an toàn sau khi phân tích 20.000 bệnh nhân đã được điều trị. |
Huyết tương là chất lỏng màu vàng nhạt và trong suốt chiếm từ 55%-65% tổng lượng máu trong cơ thể. Khi một người nhiễm COVID-19, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Kháng thể tập trung trong huyết tương.
Dùng huyết tương điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chỉ mới có kết quả ban đầu về an toàn. Còn về hiệu quả điều trị, các chuyên gia đánh giá cần thực hiện thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng nữa mới có thể đánh giá chính xác.
Phương pháp điều trị bằng huyết tương đã được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1892 để ngăn chặn bệnh bạch hầu, sau đó ngăn chặn bệnh cúm Tây Ban Nha vào năm 1918.
Đến nay chưa có câu trả lời chính xác điều trị bằng huyết tương an toàn hay không, tuy nhiên kết quả nghiên cứu ban đầu rất đáng khích lệ.
Tháng 6/2020, hệ thống bệnh viện trường đại học Mayo Clinic ở Mỹ đã theo dõi quá trình truyền huyết tương trong 20.000 bệnh nhân và nhận thấy tỉ lệ bị phản ứng phụ rất thấp.
Tiến sĩ Scott Wright, người chủ trì công trình nghiên cứu, chia sẻ: "Chúng tôi kết luận sử dụng huyết tương giai đoạn bình phục là an toàn".
Mời độc giả theo dõi video "Cuba hỗ trợ Việt Nam chống dịch Covid-19". Nguồn: VTC Now.
Để đánh giá hiệu quả, các chuyên gia nhất trí cần thực hiện thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng nữa để so sánh phương pháp điều trị bằng huyết tương với quy trình điều trị chuẩn.
Một nghiên cứu khác của hệ thống bệnh viện Mayo Clinic cho thấy tỉ lệ tử vong có giảm ở các bệnh nhân được tiêm huyết tương sớm với liều kháng thể cao.
Tuy nhiên, đây không phải là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, chưa qua giai đoạn bình duyệt đồng nghiệp (các chuyên gia cùng lĩnh vực đánh giá khoa học) và không sử dụng giả dược (placebo).
Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đang tiến hành một nghiên cứu song song nhằm sử dụng huyết tương tạo miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 trước khi bệnh nhân mắc bệnh.
Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp truyền huyết tương chưa nhiều nên các quốc gia vẫn đang mở rộng phạm vi nghiên cứu.