Để giảm nguy cơ cảm lạnh, mọi người cần tránh các thói quen sau:
Cắn móng tay
Cảm lạnh là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra. Virus gây bệnh có thể lưu lại dưới móng tay. Cắn móng tay hay đưa tay lên mặt sẽ khiến mầm bệnh trên tay dễ tiếp xúc với mắt, mũi, miệng và xâm nhập vào cơ thể.
Do đó, để giảm nguy cơ cảm lạnh, mọi người cần bỏ thói quen cắn móng tay và không được đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
|
Những thói quen xấu khiến bạn dễ bị cảm lạnh- Ảnh minh họa. |
Tập luyện quá nhiều
Tập luyện quá nặng với tần suất liên tục sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, làm gia tăng nồng độ hoóc môn căng thẳng adrenaline và cortisol.
Các loại hoóc môn này sẽ tác động tiêu cực đến bạch cầu, làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh hơn, trong đó có cảm lạnh, theo Readers Digest.
Làm việc quá mức
Áp lực công việc có thể gây ra tình trạng căng thẳng kéo dài. Tình trạng này khiến cơ thể suy yếu và dễ bị cảm lạnh.
“Các yếu tố căng thẳng tâm lý xã hội được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh”, Reader’s Digest dẫn lời bác sĩ nội khoa người Mỹ Erika Martinez-Uribe.
Một số bằng chứng khoa học cho thấy căng thẳng có thể tăng nguy cơ với bệnh tim và nhiều bệnh viêm nhiễm khác như cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Không vệ sinh nhà cửa
Nhiều vật dụng trong nhà và văn phòng làm việc cần phải được vệ sinh, sát khuẩn thường xuyên. Những thứ như điện thoại, tay nắm cửa, điều khiển máy lạnh, công tắc đèn và bàn phím có thể chứa virus cảm lạnh, theo Readers Digest.
Chúng ta sẽ bị nhiễm bệnh nếu dùng tay chạm vào các bề mặt có virus rồi sau đó đưa lên mắt, mũi và miệng. Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, các bề mặt mà tay thường chạm vào cần phải được vệ sinh, sát khuẩn thường xuyên, các chuyên gia khuyến cáo.
Không uống đủ nước
Uống quá ít nước sẽ làm tăng nguy cơ cảm lạnh. Cơ thể khi mất nước sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó ngủ và không đào thải hiệu quả các độc tố bên trong.
Tất cả những điều này làm suy yếu hệ miễn dịch và dễ bị cảm lạnh hơn, các chuyên gia giải thích, theo Readers Digest.