Tết nhất đến nơi rồi, không muốn "vạch áo cho người xem lưng" nhưng tôi không thể kiên nhẫn chịu đựng nổi với người chồng keo kiệt lại vô tâm như thế. Trước đây khi còn yêu nhau, anh ấy cũng khá ga lăng, dễ tính. Càng tiếp xúc lâu tôi nhận ra sự chịu thương chịu khó, tiết kiệm của anh ấy.
Lúc cưới nhau rồi, tôi lại càng nhận rõ tính cách đó của chồng. Khi đó tôi chỉ nghĩ, nếu như mình biết cách chi tiêu, tiết kiệm một chút con cái sau này mới có thể bớt khổ, chúng sẽ có cuộc sống đầy đủ. Cũng bởi thế mà tôi để chồng tôi trở thành "tay hòm chìa khóa" của gia đình, mua bán gì chồng tôi đảm nhiệm hết. Nhờ có chồng giữ tiền nên chúng tôi cũng chưa lâm vào hoàn cảnh phải vay mượn tiền tiêu bao giờ. Nhưng đến nay đã qua thời kỳ khó khăn, lương của tôi và chồng cũng đều ở mức khá, song chồng tôi vẫn cứ không thay đổi suy nghĩ thời khó khăn.
|
Ảnh minh họa |
Chuyện chi tiêu lúc nào cũng trở thành vấn đề căng thẳng trong gia đình, mỗi lần thanh toán tiền điện, tiền nước mà cao hơn bình thường một chút là anh ấy cáu gắt, đổ lỗi cho vợ con, thậm chí giận oan cả người đi thu tiền, bắt họ đi lại mấy lần mới chịu đóng. Trong nhà có đồ hư hỏng là anh ấy tự sửa đi sửa lại, chắp vá để dùng chứ không chịu đi mua cái mới.
Nhiều phen tôi cũng bực mình với chồng, anh ấy còn mặc cả với tôi cả chuyện tôi đi mừng tiền hiếu hỷ, cứ bắt tôi phải mừng tiền với rất thấp. Bình thường chồng tôi không cho đi mua bán cùng để tiện mặc cả và không bị nói thách. Nhưng Tết này, tôi phải đi mua đào, quất để chọn được loại ưng ý, chứ để chồng đi mua cứ mua loại rẻ tiền về xấu thêm cả nhà, hoặc sát Tết mới mua.
Đúng là sai lầm khi đi cùng chồng sắm Tết. Anh ấy đưa tôi lòng vòng khắp thành phố, đi hết vườn này đến vườn kia không mua được cây nào vì chỗ nào anh ấy cũng chê đắt. Đành phải về chợ hoa Tết gần nhà để xem và mua, vì mọi năm nhiều loại mà giá cũng hợp lý.
Đến một hàng trong chợ, tôi rất ưng và chọn được một cành đào vì nhiều nụ, dáng đẹp và sẽ ra hoa đúng vào các ngày Tết. Người bán hàng nói giá 900.000 đồng, tôi nói chỉ mua với giá 600.000 đồng. Người bán hàng đang phân vân, định bán cho tôi thì chồng tôi xen vào chê bai: "Cành đào như khúc củi khô, có tí nụ, vài hôm là nở bung bét. Có cho cũng không ai lấy". Nói xong, chồng tôi liền "chốt giá" xuống chỉ còn 350.000 đồng.
Dĩ nhiên, người bán hàng cảm thấy bực mình, dứt khoát không bán và còn nói mỉa: "Anh chờ tối 30 Tết ra đường mà lượm đào, người ta vứt đầy, khỏi phải mua". Tôi cũng thấy chồng tôi trả giả như vậy là quá đáng, tôi định rút tiền ra mua thì chồng tôi bực tức cầm tay tôi lôi đi, vừa đi vừa mắng: "Mua bán thế có ngày ăn cám, cứ trả thật rẻ, không bán thì thôi, đợi vài hôm nữa mua sẽ rẻ bèo. Đi về ngay, không mua bán gì nữa. Hoang phí như cô thì từ giờ đừng có đi mua gì, để đấy tôi lo hết".
Xấu hổ trước đám đông và áy náy với người bán đào. Tôi không ngờ, chồng tôi lại có thể đưa tôi vào tình huống như vậy. Trở về nhà, tôi cũng nhận ra chồng tôi bắt nộp hết tiền lương nhưng lại không muốn tôi tiêu pha bất cứ khoản gì. Tôi cũng đã nhiều lần góp ý, nhưng chồng tôi không thay đổi. Tôi quá thất vọng khi lấy phải người chồng keo kiệt, coi thường vợ như thế.
Ngày Tết sắp đến, tôi không muốn tranh cãi gì với chồng. Nhưng tâm trạng tôi rất buồn, tôi không muốn cả đời mình phải sống cảnh lệ thuộc như thế. Tôi có nên ly hôn?