Em không biết có ai đã từng gặp trường hợp như mình không. Chứ bây giờ, nói thật em chẳng dám chạm mặt anh hàng xóm nữa luôn. Vợ chồng em chuyển về khu này từ khi mới cưới, tính ra cũng được gần 2 năm rồi.
Ở gần nhau nên em cũng biết, gia đình hàng xóm vốn dĩ không hạnh phúc lắm. Hai người họ lấy nhau đã 4 năm nhưng vợ anh nhất quyết không chịu mang thai. Vì muốn tập trung cho sự nghiệp, chị ấy quyết định kế hoạch đến năm 33 tuổi.
Nhiều bữa em nghe hai người họ cãi nhau về vấn đề này. Thậm chí có lần, em còn nghe anh hàng xóm nhắc đến mình:
"Đấy em nhìn đi, nhà người ta vừa cưới đã thả có bầu. Còn mình thì mấy năm rồi, em cứ khất lần hết năm này đến năm khác. Đừng tưởng sau này dễ chửa đẻ. Anh làm bác sĩ sản, ngày khám cả chục ca hiếm muộn đây này".
Thế nhưng vợ anh vẫn nhất quyết kế hoạch. Còn em thì cũng qua đó mà biết, cuộc hôn nhân của họ có những góc khuất mà người ngoài nhìn vào không biết được.
Bài chia sẻ (Ảnh chụp màn hình)
Ở khu em, mọi người chơi với nhau khá thân, nhà ai có việc gì là những gia đình khác lại xúm vào đủ giúp đỡ. Chẳng hạn như nhà em, chồng đi làm xa, có khi cả tháng mới về một lần. Lắm lúc điện, nước hỏng, em lại chạy sang nhờ hàng xóm.
Chỉ mấy phút sau là anh ấy mang đồ nghề sang. Sửa xong, anh còn hỏi em xem còn chỗ nào hỏng hóc không. Nói chung là rất nhiệt tình và bản thân em cũng có thiện cảm, nhất là khi biết anh muốn có con mà vợ lại từ chối như vậy.
Tuy nhiên, vì cả hai đều đã có gia đình nên em vẫn giữ mối quan hệ này ở mức độ chừng mực.
Lại nói đến chuyện em có thai. Bình thường, em vẫn đi siêu âm ở phòng khám cho tiện, thành ra em chưa bao giờ được anh hàng xóm thăm khám. Với cả tâm lý chung, chẳng ai muốn người quen vạch bụng mình ra kiểm tra, bản thân em cũng thế.
Vậy nhưng duyên số run rủi thế nào, em lại gặp anh hàng xóm trong tình huống rất oái oăm. Hôm ấy em còn những 2 tuần nữa mới đến ngày dự sinh. Chồng bảo để anh xin nghỉ sớm để về chăm vợ, em còn nói chắc nịch: "Hẵng còn xa, anh nghỉ gì mà sớm vậy. Đợi tuần nữa rồi hãy về".
Vừa nói xong chưa được bao lâu bỗng nhiên thấy vỡ ối. Cũng may hôm ấy có mẹ đẻ em ở đó. Nhìn thấy nước chảy ra, bà chạy vội lên phòng, vừa vơ giỏ đồ sơ sinh vừa nói:
"Con chuẩn bị ngay, tắm rửa vệ sinh đi rồi mẹ con mình vào viện. Ngày xưa mẹ đẻ con nhanh lắm, mày mà giống máu đẻ của mẹ thì chỉ hai tiếng nữa là đứa bé chào đời thôi".
Mẹ nói thế làm em dũng sốt ruột. Thế là giữa rất nhiều bệnh viện trong thành phố, em chọn bệnh viện gần nhất để đi đẻ cho yên tâm. Mặc dù trước đó, em đã cọc tiền và đăng ký gói sinh ở một bệnh viện cách nhà hơn 20km rồi.
Vừa đến viện, em được đẩy vào phòng chờ sinh luôn. Lúc đầu là một cô hộ lý vào thăm khám. Kiểm tra cho em xong, cô ấy bảo em chuẩn bị tinh thần vì có dấu hiệu chuyển dạ và cổ tử cung bắt đầu mở rồi. Khi ấy em còn mừng thầm trong bụng các chị ạ, vì nghĩ mình được phụ nữ đỡ đẻ mà.
Nào ngờ mấy phút sau, anh hàng xóm bước vào trước sự ngỡ ngàng của em. Dường như không có chút gì ngại ngùng, anh thăm khám và bảo em cứ bình tĩnh, bởi ca của em có thể đẻ thường được. Đợi đến khi mở đủ 10 phân, anh ngẩng lên nói với em:
“Được rồi, em làm tốt lắm, bây giờ anh đếm, khi nào đến 3 thì em rặn thật mạnh. Nhớ chưa?”.
Nói thật là lúc đó đau đẻ nên em chẳng để ý được gì cả, anh ấy bảo gì thì em làm vậy thôi. Mỗi tội khi sinh xong, nhìn xuống thấy người khâu cho mình là anh hàng xóm, em mới thấy ngượng chín người. Còn anh hàng xóm thì cứ vừa khâu vừa tủm tỉm:
“Yên tâm, anh khâu cho đẹp như thời con gái”.
Chồng em sau khi biết chuyện hàng xóm đỡ đẻ thì cứ xuýt xoa:
"Ôi dồi, đúng là may mắn thế nào lại vớ được ông ấy trực. Chẳng gì bằng có người quen. Anh không về kịp nên cứ lo mãi. Đấy, lần sau đẻ đứa thứ 2 mình cứ nhờ ông ấy đỡ cho mát tay".
Lão chồng em đúng là vô tư. Chẳng nghĩ rằng vợ mình có cái gì thì hàng xóm nhìn thấy hết rồi. Đã vậy còn bảo để gửi gắm đứa thứ 2 chứ. Còn bản thân em giờ nghĩ lại mà thấy xấu hổ vô cùng bởi cả hai cứ chạm mặt nhau hàng ngày.
Mỗi lần anh ấy hỏi vết khâu của em đã đỡ đau chưa là em lại ngượng chẳng dám trả lời. Biết rằng đối với bác sĩ, việc đỡ đẻ cho bệnh nhân là điều bình thường và họ chẳng để ý bệnh nhân ấy là ai. Nhưng em thì thấy ngại quá.
Không biết em nên làm gì để cảm thấy bình thường với anh hàng xóm đây?