Bước chân vào một mối quan hệ thật ra cũng chẳng khác gì trò may rủi. Bạn không bao giờ thật sự biết được tương lai, nhưng có thể sử dụng một số dấu hiệu và kinh nghiệm để biết người ấy có phải là nửa kia của mình hay không.
Trang Insider tham khảo ý kiến từ chuyên gia tình yêu và nhà văn Monique Honaman về vấn đề này. Dưới đây là một số dấu hiệu chứng minh bạn và người ấy là cặp đôi hoàn hảo và chúc mừng bạn đã tìm được hạnh phúc đích thực.
Chấp nhận con người thật của nhau
Ngay cả khi yêu say đắm nhất, chúng ta cũng có thể nhận ra một vài điểm ở đối phương khiến mình phát cáu. Theo Honaman, một cặp đôi hoàn hảo không hẳn chỉ nhìn thấy sự hoàn hảo trong mắt nhau. Bạn sẽ phải chấp nhận "sống chung với lũ" nếu hướng tới mối quan hệ dài lâu.
Đừng bao giờ nghĩ người ấy sẽ thay đổi bản tính chỉ vì yêu bạn. Nếu hai bạn sinh ra để dành cho nhau, bạn sẽ sẵn sàng chấp nhận toàn bộ con người của người ấy, dù không hài lòng với tất cả.
Bạn không nhất định phải yêu thói ném khăn tắm bừa bãi trên sàn nhà, hay kiểu đùa thiếu muối. Nhưng nếu có thể nhún vai và chấp nhận, tức là hai bạn sinh ra để dành cho nhau.
|
Ảnh minh họa. |
Bạn thực sự hạnh phúc
Nhiều người hình dung tình yêu là những bữa tối lãng mạn và đêm tâm tình bên ánh nến. Nhưng nếu bạn đang có một mối quan hệ lâu dài, bạn sẽ hiểu rằng thực tế phần lớn thời gian "chỉ có đôi ta" sẽ đồng nghĩa với đi siêu thị mua đồ, xem phim trên máy tính, và dọn dẹp nhà cửa.
Theo Honaman, nếu hai người thực sự là sự kết hợp hoàn hảo, bạn sẽ tận hưởng từng giây phút ở bên đối phương, không quan trọng làm gì.
Vui vẻ tụ họp cùng nhóm bạn hay chia sẻ hạnh phúc trên mạng xã hội không đủ để xây dựng một mối quan hệ vững vàng. Bạn cần phải cảm thấy thoải mái, yêu thích khi chỉ có hai bạn ở cùng nhau, trò chuyện, cùng làm những việc mắm-củi-dưa-cà hàng ngày.
>>> Mời độc giả xem video: "Tình yêu đích thực là đây" tại đây. Nguồn: Chắc Zì Bạn Đã Biết (youtube).
Trực giác
Trong tình yêu, bạn nên tin vào phán đoán của bản thân. Người đó có thể có ngoại hình phong độ, nhưng không có nghĩa hai bạn có thể đi đường dài.
Hãy cố gắng lắng nghe, nhưng không chỉ về điều kiện của đối phương, kiểu "Anh ấy là người tử tế". Bạn cần biết rõ mình cảm thấy như thế nào, chẳng hạn "Tôi thấy an tâm khi ở bên anh ấy", hoặc "Tôi có thể hình dung ra cảnh bên nhau đến già".
Theo Honaman, nhiều lúc chúng ta cố gắng dùng lý trí để quyết định, trong khi lẽ ra cũng cần lắng nghe cả trái tim, hoặc thậm chí để con tim lên tiếng nhiều hơn.
"Trong quan hệ tình cảm, trực giác và sự mách bảo của trái tim thường chuẩn xác hơn là tín hiệu từ bộ não hay logic. Lý trí có thể nói rằng xét về mặt logic, người kia là lựa chọn tốt. Nhưng nếu trái tim báo ngược lại, vấn đề sẽ nảy sinh trong tương lai", chuyên gia này giải thích.