Chị thường nói mỗi cuộc hôn nhân là một câu chuyện riêng của mỗi người, và bí quyết giữ lửa hôn nhân chẳng ai giống ai. Điều quan trọng nhất là phải hiểu khi nào đối phương cần mình nhất, để có thể bên họ kịp thời, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Gặp nhau thì dễ, bên nhau cũng thường, cùng nhau mới khó.
Cuối năm, mọi người chộn rộn, Facebook bắt đầu xuất hiện những dòng trạng thái “tổng kết một năm qua”. Chị cũng lặng lẽ viết những cảm xúc nhìn lại một năm của mình, nhưng để chế độ “chỉ mình tôi”. Chị chẳng muốn cho người ngoài biết nỗi lòng của chị, cả những biến cố mà vợ chồng chị đã trải qua trong suốt một năm. Khi viết đến câu “năm nay, con gái nhỏ tiếp tục bị co giật, nhập viện hai lần…”, đôi mắt chị chợt nhòe đi.
Hình ảnh con bé mắt trợn ngược, người tím tái, toàn thân co giật liên hồi thực sự gây ám ảnh. Chị bắt đầu khóc thành tiếng. Chồng chị đứng phía sau, nhìn thấy hết. Anh choàng tay ôm chị, thì thầm vào tai chị: “Đã có anh đây rồi, ổn rồi, không sao đâu em, con khỏe rồi mà”. Nói đoạn, anh đưa tay lau nước mắt cho chị. Chị đã thấy bình tâm trở lại: “Mong rằng con mình luôn khỏe mạnh, đừng chuyện gì xảy ra nữa”.
|
Ảnh minh họa. |
Anh chị cưới nhau gần mười năm, có với nhau hai mặt con. Đứa lớn bình thường, nhưng đứa nhỏ ốm yếu từ thuở còn nằm trong bụng mẹ. Lúc mới cấn thai vài tuần, bác sĩ bảo chỉ có túi thai chứ không có tim thai, theo dõi chừng hai tuần nữa nếu không phát triển thì sẽ bỏ.
Chị nhớ, lúc ở bệnh viện phụ sản, chị khóc như mưa. Anh cũng ôm chị vỗ về như thế, với câu nói nhẹ nhàng yêu thương: “Có anh đây rồi, mọi việc sẽ ổn thôi em”. Ơn trời là khoảng hai tuần sau thì tim thai phát triển, nhưng bác sĩ bảo thai rất yếu và bị động thai. Vậy nên, hành trình chị mang nặng chín tháng mười ngày là cả quãng đường đầy gian khổ và nước mắt. Bé bị sinh non, thiếu tháng nên ốm yếu và nhiều bệnh tật hơn những đứa trẻ bình thường.
Anh luôn bên cạnh chị, vỗ về, cho chị cảm giác yên tâm. Nhớ hồi cái thai mới hai mươi mấy tuần, buổi sáng chị phát hiện mình bị ra huyết. Lúc đó, anh đang chuẩn bị đi làm, thấy vậy, anh luống cuống chở vợ tới bệnh viện. Chị được các bác sĩ chỉ định chuyển viện, nằm trên xe cấp cứu, nghe tiếng còi hụ vang, chị lại càng hoảng sợ. Anh ngồi cạnh nắm tay chị trấn an: “Không sao đâu em, bình tĩnh, có anh đây rồi!”. Chị như được anh tiếp thêm sức mạnh và niềm tin. Chị nhắm mắt lại, hít thở thật sâu, tự trấn an mình: “Mọi việc rồi sẽ ổn thôi”.
Trước đây, khi quen anh, chị thường chê “đàn ông đàn ang gì mà ăn nói nhỏ nhẹ, yểu điệu thục nữ, sao dựa được đây?”. Đến lúc về chung một nhà, anh vẫn là người kiệm nói, chỉ cười và thường tỏ ra “lép vế” so với vợ. Chị lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ, nhưng gặp chuyện thì mong manh như một ngọn cây trước bão giông. May mà có anh, chỗ dựa vững chắc về tinh thần, để chị an tâm bên mình luôn có một người sẵn sàng vực mình dậy.
Hạnh phúc ấy, chị cất cho riêng mình, người ngoài nhìn vào khó mà nhận ra được. Họ cũng chẳng biết chị có bí quyết gì khiến chồng ngoan ngoãn, vội vã về nhà sau giờ làm, bỏ mặc lời mời ăn nhậu của bạn bè, đồng nghiệp. Chị thường nói mỗi cuộc hôn nhân là một câu chuyện riêng của mỗi người, và bí quyết giữ lửa hôn nhân chẳng ai giống ai.
Điều quan trọng nhất là phải hiểu khi nào đối phương cần mình nhất, để có thể bên họ kịp thời, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Gặp nhau thì dễ, bên nhau cũng thường, cùng nhau mới khó.
Tôi thấy chị giống một người quen của mình. Chị này là giám đốc điều hành một công ty khá nổi tiếng. Bề ngoài là một người mạnh mẽ, cứng rắn, quyết đoán, thế nhưng, đôi lúc chị cũng tỏ ra yếu đuối và mất tinh thần. Chị kể với tôi, những lúc như vậy, chồng chị là người luôn bên cạnh an ủi, động viên chị vượt qua khó khăn.
Có lần, cuối năm, công việc làm ăn không thuận lợi, công ty xảy ra nhiều sự cố, chị cảm thấy dường như mình không đứng vững nổi nữa, và muốn buông bỏ tất cả. Khi thấy chị bắt đầu rưng rưng, chồng chị dịu dàng ôm chị và bảo: “Em cứ khóc đi, khóc cho thỏa những mệt nhọc trong lòng”.
Nỗi buồn sẽ tan biến nhanh, đau thương sẽ giảm đi một nửa, khi người phụ nữ được nghe câu nói từ người đàn ông của mình: “Đã có anh ở đây rồi”. Đó là sự che chở, bảo vệ, cảm thông, sẻ chia, và tiếp thêm sức mạnh đúng lúc để cùng nắm tay nhau bước tiếp. Có được một chỗ dựa tin cậy, phụ nữ không còn mong gì hơn thế nữa.
Hôm trước, xem chương trình Vợ chồng son trên YouTube, tôi có nghe tâm sự của một người vợ. Cô luôn cảm thấy tủi thân và buồn bã vì sự thô lỗ và khô khan, cộc tính của chồng. Chồng cô hầu như chưa bao giờ biết nói một lời an ủi vợ.
NSND Hồng Vân trong vai trò MC của chương trình đã khuyên người chồng rằng, những lúc vợ khóc, nếu chồng không quen nói những câu ngọt ngào, thì có thể thể hiện bằng hành động: lau nước mắt, đưa khăn giấy cho vợ, hoặc có thể ôm vợ vào lòng mà không cần phải nói điều gì cả. Hạnh phúc của phụ nữ đôi khi chỉ đơn giản là được chồng thì thầm vào tai cái câu kinh điển: “Đừng lo, đã có anh ở đây rồi!”. Tin tôi đi, khi đó, mọi bão giông trong lòng họ sẽ dần dần tan biến hết.