Tôi lấy chồng được 3 năm và chồng hơn tôi tới 17 tuổi. Tôi nói thật, chồng là trai Hà Nội, nhiều tuổi vẫn chưa lập gia đình và khi lấy được tôi hình như đó là "phúc phận" của anh. Nói là người Hà Nội, nhưng nhà anh ở huyện Thanh Trì thôi và nhiều thứ chẳng khác gì quê, cũng ruộng đồng và thói quen làng xã.
Kết hôn với anh xong, tôi ở nhà chăm con để anh đi làm nghề lái xe. Thu nhập gia đình đều do anh lo nên tôi cũng khá bị động trong chuyện chi tiêu và căng kéo về tiền sinh hoạt.
Tôi sinh con trai nên cả nhà mừng và anh cũng vui ra mặt do lấy vợ muộn lại có con theo ý muốn vì anh anh cũng độc đinh, nên anh muốn tôi tự chăm con tới khi bé đi học lớp 1 mới thôi. Dù ở nhà khá bí bách nhưng vì chiều chồng và thương con tôi cũng đành ngậm ngùi chấp nhận và tạm xếp tấm bằng đại học loại ưu cùng bao dự định của mình vào góc tủ.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, chồng tôi vốn gia trưởng và là con một nên anh càng có phần độc đoán khác thường. Lúc nào anh cũng sợ tôi lấy tiền mang về quê cho bố mẹ đẻ. Mỗi tháng, ngoài tiền sữa thuốc thang và ăn vặt cho con, anh không đưa thêm gì.
Ngay cả việc mua sữa bột cho con, anh ấy cũng tự mua. Chỉ 3 triệu đồng chợ búa sinh hoạt ở cái đất ngoại thành, tôi dù rất tằn tiện nhưng vẫn rơi vào cảnh giật gấu vá vai và nói luôn là luôn trong tình trạng hết tiền.
Từ ngày kết hôn, tôi cũng chưa bao giờ được về quê ăn Tết ngoại, cũng chẳng có tiền mà biếu bố mẹ của mình nên khi nghe bạn bè nói chuyện ăn Tết nhà vợ là tôi lại... tủi thân. Mang tiếng là lấy chồng Hà Nội, nhưng cuộc sống của tôi cũng rất khó khăn và chả sung sướng gì.
Năm đầu tiên về nhà, chồng tôi mua giỏ quà "nhỏ xíu" và 1 kg hướng dương Tết ngoại. Tôi nhìn giỏ quà mà phát rầu, bảo anh mua mang về Tết mà sao nhìn "bóc xóc" quá. Chồng tôi nói ở quê thế này thôi, mua nhiều làm gì rách chuyện. Tôi nghĩ anh sẽ biếu tiền thêm, giở quà chỉ để chưng gọi là cho có, nhưng rồi tất cả chỉ là sự tưởng tượng của tôi mà thôi.
Năm thứ 2, tôi sinh con nên cả nhà tôi không về chúc Tết. Tôi nhắc anh đi, anh kiếm cớ bận nên khỏi Tết ngoại luôn làm tôi chỉ biết khóc một mình. Dù nhà có xe riêng nhưng anh hết lấy cớ con nhỏ, nhà xa nên kiếm cớ gửi quà Tết và chả buồn về. Trong khi nhà tôi cách Hà Nội có hơn 100 km, anh ít về nên mỗi lần tôi về ngoại là hàng xóm lại nhìn tôi với con mắt khá thương hại và dè bỉu.
Tết năm ngoái, anh đưa tôi 500 nghìn, bảo tôi đi ra mua gì mang về bà ngoại. Tôi bảo không biết mua gì, lát đi rồi mua trên đường cho tiện. Trên đường, anh dừng xe bên một tiệm bách hóa và xuống mua giỏ quà Tết gói sẵn trị giá 300 nghìn đồng kèm theo 1kg hướng dương như năm trước. Tôi ngồi trong xem ôm con mà tủi thân muốn khóc, nhưng không làm ra tiền nên cổ họng tôi khô đắng.
Trong khi đó, năm nào Tết nội anh cũng mua quà tỉ mỉ cho các thành viên trong nhà, nhiều lúc tôi thấy anh phân biệt đối xử quá thể và có ý kiến thì anh bảo "khi nào cô tự làm được ra tiền thì hãy có ý kiến". Tôi chết lặng trước câu nói của anh.
Tết năm nay lại sắp đến, anh lấy cớ Tết này có việc vào cận Tết nên về chúc tết ngoại sớm từ 13 tháng Chạp. Thấy anh gọi cả chục két bia để nhà, trong cốp sau xe anh cũng để 2 két, tôi tưởng năm nay anh đổi tính sẽ mang về nhà ngoại chỗ bia trong xe ấy. Nhưng rồi, tuyệt nhiện không có gì thay đổi, vẫn giỏ quà ấy như trước và năm nay là cân mứt gừng.
Tôi thương bố mẹ mình quá mà không biết phải làm gì, đành lấy 1 triệu đồng, số tiền ít ỏi hôm trước một người quen từ Sài Gòn ra cho con tôi mua sữa mang về biếu vụng bố mẹ. Giờ đây tôi đang rất thấm thía cảnh lấy chồng gia trưởng con một, càng đau hơn khi sống cảnh ăn bám và không làm ra tiền. Nghĩ cái cảnh lấy chồng Thủ đô mà còn nghèo và tủi hơn bạn bè làm nông, chạy chợ ở quê khiến tôi suy nghĩ mãi không thôi.
Hôm nay đã Rằm tháng Chạp, tôi đang nung nấu suy nghĩ từ bỏ tất cả để làm lại cuộc đời của chính mình. Tôi muốn trở lại là chính mình của ngày xưa, của một thời quyết đoán, độc lập và tự làm ra tiền. Tôi thấy ân hận khi bước vào cuộc hôn nhân mai mối với cái mác lấy chồng Hà Nội và được cưng chiều như ai đó vẽ ra cho tôi. Dường như, tôi đã quá sai rồi. Tôi đang muốn sửa đổi ngay từ cái tết này, 3 năm đã là quá đủ rồi, liệu có còn kịp không?