Chưa kịp đợi mẹ khoe thêm thành quả một năm vun trồng, chuẩn bị nguyên liệu cho nồi bánh tét tới, tôi lắc đầu, xua tay: “Thôi, thôi mẹ ơi, nhà mình ăn uống chi đâu, tụi con công việc bận bịu lấy đâu mà phụ mẹ!”. Mẹ thở dài: “Mẹ tự gói được, mấy đứa không cần phụ!”.
|
Những bụi chuối được mẹ vun trồng chuẩn bị hơn một năm nay để làm nguyên liệu gói bánh. |
Sau hồi thuyết phục bất thành, tôi bỏ ra phố dạo bước cho thong thả vì lòng còn hậm hực. Đã chục năm nay, từ lúc cha tôi mất đi, hình ảnh mẹ tôi ngồi gói bánh, cha buộc dây vào những ngày cuối tháng Chạp đã không còn hiện hữu trong chái bếp sau nhà. Phần vì vắng cha mẹ như mất đi một cánh tay đắc lực phụ giúp, anh em chúng tôi lập gia đình, mỗi người có cuộc sống riêng. Những ngày cuối năm lại phải chạy đôn đáo bận rộn.
Tôi ở cùng mẹ nhưng có con nhỏ, lại thêm công việc viết lách xuyên suốt cũng chẳng rảnh rang. Mười mấy năm nay, gia đình tôi chỉ mua những đòn bánh bán sẵn ở phiên chợ Tết mang về, chưng lên bàn thờ nhang khói cho ông bà xong rồi lại cất đi, cũng ít ai đụng vào. Hà cớ gì mẹ lại bày biện ra cho thêm khổ nhọc.
Nếu thuở xưa cuộc sống gian khó, họa hoằn thay chỉ những ngày Tết mới nôn nao được thưởng thức những cái bánh tét, bánh chưng, chứ cuộc sống hiện đại ngày nay hễ thèm là có, đâu cần bày biện ra chi cho cực nhọc.
Càng nghĩ tôi càng thấy việc gói bánh của mẹ không cần thiết, tôi định móc điện thoại ra gọi cho anh chị góp đôi lời để can ngăn mẹ, bởi sức khỏe bà cũng đã yếu, chúng tôi lại bận rộn muôn vàn công việc. Bất giác, tôi bắt gặp hình ảnh hai cụ già lom khom tỉa tót những chậu quất. Bỗng cụ ông nắm chặt thân cây khụy gối từ từ trong sự lo lắng của cụ bà. Tôi đến hỏi han, ông dần điều hòa hơi thở nói ông bị cơn đau tim từ khi con trai và con dâu ông qua đời trong một vụ tai nạn giao thông những ngày cuối tháng Chạp mấy năm về trước.
Bỏ lại đôi vợ chồng già uốn nắn những chậu quất kiểng bán Tết, cái cảm giác không con cháu lẻ loi càng khiến hai cụ thèm giây phút sum vầy được bên cháu con ăn bữa cơm tất niên dù chỉ giản đơn. Tôi vội lau đi nước mắt lã chã rơi, từ giã hai cụ bước đi trong thâm tâm nặng trĩu.
Bước chân tôi len lỏi qua những góc phố của ngày cuối năm, đưa mắt nhìn những cụ già, người tật nguyền ngủ quên trên chiếc xe lăn, bàn tay còn nặng trĩu những xấp vé số, đứa bé bán hàng rong mặt lấm lem…
Tất cả họ đang gồng mình trước cái rét buốt của cơn gió bấc sắt se, tay họ vẫy gọi chìa ra mời mọc người qua đường như đang tìm lấy một chiếc phao cứu sinh cho những ngày cận Tết. Những cô chú bán hàng rong vẫn còng lưng đạp xe trong rét lạnh buổi sáng, rồi lại có lúc nóng oi người dưới buổi trưa đứng bóng với tiếng rao lanh lảnh có khi hụt hơi vì những cơn ho cảm mùa…
Nhìn sang cô công nhân quét đường đang vội vã từng nhịp chổi, khi được tôi hỏi gần cuối năm mà không khí Tết có vẻ ảm đạm, cô thở dài vội ngừng công việc nhìn tôi giọng trùng xuống: “Năm nay kinh tế khó khăn, như tôi đây ao ước được quây quần bên các con chuẩn bị chút bánh mứt để đón Tết, nhưng đã mấy năm rồi vì công việc đành chịu thôi…!”.
Chỉ một góc nhỏ nơi con phố, mà sao có nhiều sự đối lập với những gì tôi đã nghĩ trong đầu.
Con tim tôi như thắt lại, thôi thúc bước chân giận dỗi khi nãy ra khỏi nhà rẽ vào ngõ nhà mình, tôi vẫn nghe tiếng đập đất của mẹ vô gốc những bụi chuối. Hình ảnh hai cụ già neo đơn mất đi những người con thân yêu với ánh mắt chứa đựng nỗi buồn hun hút khi nghĩ đến Tết, lại những mảnh đời còn phiêu bạt ngoài kia mong muốn có một mái ấm để trở về.
Tôi tự vấn bản thân mình “đã bao lâu rồi từ ngày cha mất đi, tôi đã hỏi mẹ ước muốn gì khi mỗi năm trôi qua, lúc mái tóc mẹ dần điểm bạc theo năm tháng, mong muốn của mẹ khi chào đón năm mới là chi, hay chỉ ích kỷ vào những ngày cuối năm buộc mẹ làm theo sự sắp xếp của tôi cho tiện lợi bản thân mà thôi”.
Tôi đến xúc từng vá đất vào những gốc chuối và nói “mẹ, năm nay mình gói bánh!”. Rồi cũng từ trong chính con hẻm nơi ngôi nhà nhỏ của tôi hiện hữu, dáng cô mua phế liệu đi ngang qua tươi cười vẫy chào khi nghe mẹ cất tiếng “năm nay qua nhà chị lấy bánh về ăn Tết!”.