Cuộc sống “địa ngục” của người vợ không sinh được con trai

Google News

Bị mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà vì không sinh được con trai, sau 32 năm về thăm quê người phụ nữ bàng hoàng nhận ra ảnh của mình bị đặt lên bàn thờ. 

Bị mẹ chồng đuổi khỏi nhà vì không sinh được con trai
Sau 32 năm tha phương cầu thực, người phụ nữ về thăm quê thì bàng hoàng nhận nhận ra ảnh của mình bị đặt lên bàn thờ suốt 32 năm. Dù đã bước sang tuổi 80 nhưng hằng ngày bà Nguyễn Thị Phải (Phổ Yên, Thái Nguyên) vẫn phải lang thang nay đây mai đó để thu lượm rác, mưu sinh qua ngày. Hành trình mỗi ngày của người phụ nữ bạc phận bắt đầu từ 3 giờ sáng, đi dọc các con phố Hà Nội để tìm rác...
Cuoc song “dia nguc” cua nguoi vo khong sinh duoc con trai
 Bà Nguyễn Thị Phải sống trong“địa ngục” chỉ vì không sinh được con trai. Ảnh: Ngọc Ánh. 
Bà Phải hiện đang sinh sống trong căn phòng xập xệ chừng 3m 2, kê vừa đủ một tấm phản để nằm ngủ. Với bà, có được nơi trú ngụ trong ngày nắng, đêm mưa là cả một sự cố gắng. Bởi trước đó bà luôn phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Có lẽ hiếm có người nào vướng phải cuộc đời bất hạnh như bà, người phụ nữ phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới lên 2 tuổi. Bà may mắn sau đó được anh trai đón nuôi. Tuy vậy, cuộc sống cùng anh trai cũng chẳng được bao lâu vì người chị dâu liên tiếp mắng nhiếc, hậm hực.
Không muốn trở thành gánh nặng trong cuộc sống gia đình anh nên bà xuất giá lấy chồng khi 22 tuổi. Những tưởng thoát được bất hạnh cuộc sống nương tựa anh trai nhưng những tháng ngày ở nhà chồng lại càng khiến bà trở nên áp lực, không khác gì địa ngục trần gian. Ít lâu sau không sinh được con trai nên bà Phải bị mẹ chồng chì chiết, đuổi ra khỏi nhà. "Nhớ lại ngày ấy, đêm nào tôi cũng khóc. Khi đó, trong tư tưởng của tôi luôn lo sợ nỗi ám ảnh phải bỏ xứ ra đi" – bà Phải rưng rưng đôi dòng lệ nhớ lại.
Tuy vậy, khi sinh con gái đầu lòng, bà bị đối xử không khác gì người hầu gái trong nhà. "Gia đình nhà chồng muốn tôi sinh con trai nhưng không được nên họ đối xử thậm tệ với tôi" - bà Phải tâm sự. Khi vừa sinh con tròn một tháng tuổi mẹ chồng đuổi bà ra khỏi nhà. Thương con nhỏ nên bà Phải "ăn nhờ, ở đậu" nơi hợp tác xã. Ít ngày bà lại lén lút về nhà thăm con. Không lâu sau, do con quấy khóc nên mẹ chồng gọi bà về nuôi con. Tuy vậy, cuộc sống cũng chẳng được ít lâu rồi gia đình nhà chồng đuổi cả hai mẹ con ra khỏi nhà.
Ôm con gái hơn một tháng tuổi đi tha phương cầu thực kiếm kế sinh nhai nơi đất khách quê người, bà gặp không ít tủi nhục. Để có tiền nuôi con, bà lang thang lên tận vùng nông trường chè Thái Nguyên để xin việc. Hết giờ hành chính bà bế con đi mót chè vụn xuống Hà Nội bán.
"Lúc lên tàu, đầu tôi không may bị va vào thành tàu nên chảy máu rất nhiều. Thấy vậy, một phụ nữ đã động viên tôi chăm lo cho vết thương và con nhỏ, hai bao tải chè để bà ấy trông hộ. Khi ấy tôi chỉ biết cảm ơn ráo riết nhưng sau khi quay lại thì người phụ nữ đã biến mất cùng hai bao tải chè của tôi" - bà Phải nghèn nghẹn kể.
Khi đó, bà muốn xin làm thuê ở Hà Nội nhưng vì vướng con nhỏ nên vừa đi đến quán đã bị từ chối. Cuối cùng, một người phụ nữ tốt bụng đã thuê bà gánh nước thuê cho cửa hàng phở, khi rảnh rỗi bà tranh thủ đi nhặt rác kiếm thêm tiền mua sữa cho con.
Trong một lần dắt con đến bãi rác, đặt con ở lại một mình, bà đi bới rác ở khu vực lân cận nên đã bị kẻ xấu bắt cóc. Thời điểm ấy, cuộc sống của người phụ nữ gần như bị đày xuống địa ngục.
Vỡ òa nước mắt phút giây gặp lại con gái
Hai bàn tay trắng, bà bắt đầu cuộc hành trình tìm con đầy gian nan. "Khi đó, bà luôn dằn vặt bản thân vì để con lại một mình, cuộc sống gần như đi vào ngõ cụt. Để có thể đi tìm con bà phải vất vả làm thuê, bốc vác, dọn dẹp vệ sinh".
Công cuộc tìm con tưởng chừng như đi vào vô vọng nhưng bà may mắn bà tìm được con trong một gia đình ở Bắc Giang. Người phụ nữ tìm thấy con trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Sau những ngày tháng cùng con ôn lại chuyện cũ, người phụ nữ tiếp tục rong ruổi đi làm thuê, nhặt rác. Những tưởng tìm được con gái là có được niềm hạnh phúc nhưng cô con gái của bà càng lớn bà lại càng sợ.
Cuoc song “dia nguc” cua nguoi vo khong sinh duoc con trai-Hinh-2
Xóm trọ nơi bà Phải sinh sống (Ảnh Ngọc Ánh). 
“Nó càng lớn tôi càng sợ! Tôi sợ nó khổ, tôi sợ nó sẽ mãi sống lang thang cùng tôi. Cũng may là có người để ý đến nó chú ạ” - bà Phải nức nở kể lại. Tuy vậy, may mắn đã mỉm cười với cô con gái khi người chồng của cô là người biết yêu thương vợ con. Sau khi biết sự việc, con rể mong muốn được đưa mẹ vợ (bà Phải) về quê ra mắt họ hàng. Dù không muốn trở lại nơi quê chồng một thời từng là "địa ngục trần gian" nhưng vì chiều con rể và con gái nên bà đã nhận lời.
Bà còn nhớ như in cái ngày trở về quê. Hơn 30 năm không trở lại, chẳng có nhiều người nhận ra bà. Vừa đặt chân về đến nhà, người cháu trai gọi bà Phải bằng cô vô cùng hoảng hốt khi nhận ra người trước mặt mình giống như người trong di ảnh đặt trên ban thờ. Hỏi ra anh mới biết đó chính là cô ruột của mình đã bị đuổi ra khỏi nhà mấy chục năm trước.
Sau đó, người cháu này giải thích rằng, mọi người nói cô đã mất sau 1 vài năm đi khỏi nhà. Mọi người đi tìm khắp nơi nhưng đều bất lực, chính vì thế đã lấy đúng ngày bà Phải bỏ đi làm ngày giỗ. Ban thờ được lập đúng 32 năm tính tới ngày bà dẫn con rể về (năm 2010).
Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má nhăn nhúm, bà Phải nở nụ cười hiếm hoi: “40 năm ra đi thì có tới 30 năm tôi phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Cũng may là con cái trưởng thành rồi, kiếm tiền giúp đỡ mẹ. Mấy năm nay tôi thuê căn phòng nhỏ để sống qua ngày”.
Mời quý độc giả xem video Chồng đánh vợ (nguồn Youtube):
Theo Khỏe & Đẹp

Bình luận(0)