Bệnh nhân là nữ Q.T.N (77 tuổi, quê Việt Trì, Phú Thọ) vào viện với triệu chứng đau ngực ngày thứ 2. Theo lời bệnh nhân kể lại, bệnh nhân có dấu hiệu tức ngực từng cơn nhưng chủ quan không nhập viện sớm. Đến khi ngực quá đau, bệnh nhân mới đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám.
Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ cũng đã tiến hành siêu âm tim cho thấy, bệnh nhân bị thủng thông liên thất do biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ nội trú Đỗ Viết Thắng - Phó trưởng đơn vị Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, khai thác tiền sử bệnh nhân này cho thấy, bệnh nhân tuổi cao với nhiều bệnh lý phức tạp như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản… Các bác sĩ đã phải tính toán rất kỹ phương pháp can thiệp để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
"Với những bệnh nhân gặp biến chứng như trên, thì có đến 60-70% bệnh nhân sẽ tử vong. Trường hợp này, nếu bệnh nhân nhập viện muộn khoảng 2 giờ đồng hồ nữa thì bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng nguy kịch”- bác sĩ Thắng cho biết.
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. |
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định bệnh lựa chọn phương pháp bít lỗ thông liên thất bằng dụng cụ qua phương pháp nội soi màn hình tăng sáng. Sau vá thủng, tình trạng bệnh nhân khá khả quan, các chỉ số bình thường, không phải tái nhập viện. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
BS. Đỗ Viết Thắng cho biết, bệnh nhân nhồi máu cơ tim đau ngực có biến chứng suy sụp sốc tim, tụt áp, suy hô hấp. Nếu bệnh nhân vào viện muộn hoặc bệnh nhân có nhiều bệnh lý kèm theo, vị trí nhồi máu huyết yếu, máu không đến vùng vách dễ dẫn đến hoại tử, thủng vách tim như bệnh nhân kể trên.
Các bác sĩ khuyến cáo, với những bệnh nhân nhồi máu cơ tim nói chung và gặp biến chứng cơ học do nhồi máu nói riêng, bệnh nhân cần bất động tuyệt đối và người thân cần yêu cầu ngay sự hỗ trợ của nhân viên y tế để có khả năng can thiệp tốt nhất.
Theo BS. Thắng, dụng cụ bít lỗ qua nội soi mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như không phải mở lồng ngực, chi phí điều trị rẻ hơn nhiều so với phẫu thuật thông thường, khả năng phục hồi nhanh chóng.
“Nếu như trước đây, bệnh nhân phải cưa xương ức, chi phí lớn, nhiều nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng, viêm phổi… thì với phương pháp này có thể khắc phục được nhược điểm đó và đem lại hiệu quả tốt”- bác sĩ Thắng cho biết thêm.
Được biết, tại đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã đi hoạt động được hơn 10 năm, các bác sĩ đã thực hiện can thiệp khoảng 300 - 400 ca/năm. Riêng với thực hiện bít thông liên thất khoảng 200 - 300 ca/năm.