COVID-19: Hà Nội vượt 11.000 F0 trong đợt dịch 4

Google News

Đáng chú ý, chỉ trong chưa đầy 2 tháng gần đây, số F0 ghi nhận tại Hà Nội cao hơn 9 tháng trước cộng lại.

2 tháng "thích ứng COVID-19" Hà Nội phát hiện gần 7.000 F0
Với việc ghi nhận thêm 469 ca dương tính SARS-CoV-2 trong ngày 1/12, số bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội từ đầu năm 2021 đến nay đã chính thức vượt mốc 11.000 ca bệnh (11.066 ca), trong đó chỉ tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4), Hà Nội đã có thêm 11.031 bệnh nhân COVID-19.
Từ đầu năm đến nay, 3 quận đứng đầu về số bệnh nhân COVID-19 là Đống Đa (1.028 ca), Thanh Xuân (959 ca), Hoàng Mai (834 ca). Ngược lại, 3 huyện có số ca thấp nhất gồm Ứng Hòa (52 ca), Phúc Thọ (27 ca) và Ba Vì (26 ca).
COVID-19: Ha Noi vuot 11.000 F0 trong dot dich 4
 2 tháng "thích ứng COVID-19" Hà Nội phát hiện gần 7.000 F0 (Ảnh minh họa).
Đáng chú ý, dịch có dấu hiệu leo thang từ khi Hà Nội áp dụng chiến lược thích ứng với COVID-19. Cụ thể, chỉ từ ngày 10/11 đến nay, Thủ đô ghi nhận 6.993 bệnh nhân COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ trong chưa đầy 2 tháng gần đây, số F0 ghi nhận tại Hà Nội cao hơn 9 tháng trước cộng lại.
Trong một tuần trở lại đây, số F0 phát hiện hàng ngày liên tục lập đỉnh mới. Từ mức bình quân hơn 200 F0/ngày lên mức hơn 300 F0/ngày và cao nhất là 469 F0/ngày (1/12). Số ca bệnh ghi nhận trong cộng đồng 3 ngày vừa qua đều trên 200 ca.
Dịch còn có dấu hiệu xâm nhập từ dòng người về từ các tỉnh thành có dịch. Theo thống kê của Sở Y tế Hà nội, tính đến hết ngày 30/11, toàn thành phố đã giám sát 22.340 người đi về từ các tỉnh, thành có dịch trong cả nước, trong đó đi bằng máy bay (11.430), tàu hỏa (4.320), ô tô, xe khách (4.285), phương tiện cá nhân (2.305), qua đó phát hiện 279 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.
Hà Nội phát sinh thêm 3 ổ dịch mới, bao gồm: ổ dịch tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng; ổ dịch ngõ Khâm Đức, phường Trung Phụng, quận Đống Đa; ổ dịch xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức. Các ổ dịch này đều khởi phát từ ngày 19/11. Hiện thành phố đang có 12 ổ dịch/chùm ca bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Theo TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, những ngày gần đây số lượng ca mắc tăng cao, đặc biệt là F0 cộng đồng, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 tăng lên.
Tuy nhiên, với việc chúng ta đang thực hiện phương châm thích ứng an toàn với dịch bệnh thì F0 tăng lên trong cộng đồng cũng nằm trong kịch bản của Hà Nội.
"Thành phố đã xây dựng kịch bản có 100.000 ca mắc. Chúng tôi thấy rằng với tình trạng như hiện nay, rõ ràng cần tăng cường năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, từ năng lực khoanh vùng, điều tra, truy vết cho đến năng lực điều trị các tuyến. Đặc biệt thành phố cần tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở, vì chủ yếu người bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ", TS Nhị Hà nhấn mạnh.
Nhiều thay đổi trong chiến lược cách ly, điều trị của Hà Nội
Tại phiên thảo luận tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII (diễn ra ngày 30/11), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, quá trình phòng, chống COVID-19 ở đợt dịch thứ tư đã nảy sinh nhiều vấn đề và thành phố đang từng bước tháo gỡ, khắc phục cho phù hợp với tình hình, theo hướng luôn cẩn trọng, phù hợp với chỉ đạo của Trung ương.
COVID-19: Ha Noi vuot 11.000 F0 trong dot dich 4-Hinh-2
 Hà Nội sẽ điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại nhà (Ảnh minh họa).
Cụ thể, ở giai đoạn trước, Hà Nội chủ yếu cách ly F1 tại cơ sở cách ly tập trung và điều trị F0 tại các cơ sở y tế của thành phố và trung ương. Ở giai đoạn hiện nay, thành phố đã chuyển hướng, cho phép một bộ phận F1 và F0 thể nhẹ, không triệu chứng, đủ điều kiện, được cách ly và tự điều trị tại nhà. Điều này phù hợp với tình hình, diễn biến và xu thế chung.
Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, trước mắt, thành phố thực hiện cách ly F1 tại nhà và điều trị F0 thể nhẹ ở 26 quận, huyện, thị xã; sau đó tiếp tục triển khai thực hiện điều này ở cả 4 quận "lõi", gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
Theo TS Trần Thị Nhị Hà, việc thành phố quyết định sẽ điều trị F0 thể nhẹ tại nhà sẽ rất thuận lợi cho người bệnh và đồng thời giúp tăng cường năng lực của y tế cơ sở.
Việc tiến tới điều trị F0 tại nhà cũng đáp ứng được quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, khi chúng ta thực hiện thích ứng an toàn với COVID-19.
"Với những trường hợp F0 điều trị tại nhà thì sẽ được các nhân viên y tế cơ sở chăm sóc, theo dõi sức khỏe thường xuyên. Điều quan trọng là phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và đưa người bệnh kịp thời đến các cơ sở y tế phù hợp trong quá trình theo dõi bệnh nhân", TS Nhị Hà cho hay.
Sở Y tế Hà Nội cũng tiến hành phân tầng điều trị, theo đó:
- Tầng một: Điều trị tại tuyến y tế cơ sở, tại nhà.
- Tầng 2: Điều trị tại các bệnh viện trên toàn địa bàn thành phố.
- Tầng 3: Điều trị tại các bệnh viện hạng 1, bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn.
Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến các đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ em, người có nhiều bệnh nền. Theo TS Nhị Hà, với những ca bệnh trong nhóm này, ngành y tế sẽ có chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt, thường xuyên giám sát người bệnh. Từ đó, giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.
TS Nhị Hà phân tích: "Chúng tôi nhận thấy việc điều trị F0 tại nhà với mục đích tạo sự thuận lợi cho người dân nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe và tính mạng của người dân. Chúng tôi cũng cho rằng, việc điều trị F0 tại nhà rất cần sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, sự chấp hành các quy định phòng chống dịch của người dân. Tránh trường hợp F0 điều trị tại nhà nhưng vẫn tiếp xúc gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng".
Mở chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em
Từ 23/11, Hà Nội đã bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em 15 - 17 tuổi. Từ 27/11, trẻ 14 tuổi trên địa bàn cũng đã bắt đầu được tiêm chủng.
Trước đó, Hà Nội đã ban hành kế hoạch liên ngành tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn thành phố.
COVID-19: Ha Noi vuot 11.000 F0 trong dot dich 4-Hinh-3
 Tiêm vaccine cho trẻ em tại Hà Nội.
 Đối tượng tiêm chủng của kế hoạch này bao gồm toàn bộ trẻ em đủ 12 - 17 tuổi (bao gồm trẻ đi học tại các trường đóng trên địa bàn thành phố và trẻ không đi học đang sinh sống tại Hà Nội) có chỉ định sử dụng vaccine của nhà sản xuất và Bộ Y tế.
Theo kế hoạch, sẽ có 791.921 trẻ em trong đối tượng dự kiến tiêm chủng, cụ thể:
- Trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi: 519.547 đối tượng.
- Trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi: 272.374 đối tượng.
Theo số liệu đến ngày 30/11, Hà Nội tiêm được 143.103 mũi tiêm/394.045 trẻ 12 - 14 tuổi, đạt tỷ lệ 36,3%, sử dụng 141.469 liều vaccine.
Kết quả tiêm cho trẻ 15-17 tuổi, 17h30 ngày 30/11, toàn thành phố tiêm được 283.250 mũi tiêm/307.799 trẻ, đạt 92%, sử dụng 281.814 liều vaccine.
Đáng chú ý, ngày 1/12, Hà Nội đã quyết định tạm dừng tiêm lô vaccine Pfizer có hạn dùng trên vỏ lọ tháng 11/2021 để xin ý kiến của Bộ Y tế. Việc tiêm chủng với các lô vaccine khác vẫn được triển khai bình thường.
Cụ thể, trao đổi với báo chí, TS Nhị Hà cho hay, Sở Y tế Hà Nội nhận được nhiều ý kiến đóng góp của phụ huynh về những lo ngại khi cho con em mình tiêm vaccine COVID-19. Sở Y tế đã lập tức tiếp thu và tiến hành rà soát lại tất cả các khâu trong vấn đề tiêm chủng.
"Để bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực tốt nhất cho công tác tiêm chủng, Sở Y tế đã tiến hành rà soát lại tất cả các điểm tiêm, các dây chuyền tiêm chủng về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội cũng xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về 2 lô vaccine số 124001 và 123002 của Pfizer có hạn sử dụng tại giấy chứng nhận xuất xưởng là ngày 30/11/2021 và được tăng hạn lên thành 28/2/2022 để thực hiện tiêm chủng cho học sinh", TS Nhị Hà cho hay.
Theo Minh Nhật/Dân Trí

>> xem thêm

Bình luận(0)