Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030

Google News

Năm 2023, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”.

Tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam
Theo số liệu 8 tháng đầu năm 2023 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống.
Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,1% năm 2021) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 2,5% năm 2022); Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,1%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022).
Số MSM chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện 8 tháng đầu năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16-29 tuổi chiếm 41,7%, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).
Cong dong sang tao - Quyet tam cham dut dich benh HIV/AIDS vao nam 2030
 
Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16-29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15-24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%.
Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.
Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Thực hiện kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12); Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2023. Năm 2023, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động là “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”.
Cộng đồng cần được hiểu rộng, bao gồm các Bộ ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, các khu công nghiệp, các tổ chức cộng đồng, các cộng đồng đích: Công nhân lao động, học sinh sinh viên, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy dễ lây nhiễm HIV: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người nghiện chích ma túy, mại dâm, bạn tình của các nhóm trên.
Tại sao cần phải sáng tạo trong phòng, chống HIV/AIDS?
Sau 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả đã được áp dụng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, trong tiếp cận dịch vụ từ dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS.
Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, có những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS, nguồn lực phòng chống HIV/AIDS, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, cùng với sự hiểu biết của người dân về HIV, sự chia sẻ đồng cảm với người nhiễm HIV và các quần thể đích được nâng lên trong sự phát triển chung của toàn xã hội thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp.
Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là như thế nào?
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.
Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.
Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau:
- Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm (Hiện nay >10.000 trường hợp/năm).
- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân (Hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân).
- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% (Hiện nay 6%).
Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS như phân tích ở trên, Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Phòng, chống AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã có những văn bản đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp. 
Ngành y tế các tỉnh/thành phố tăng cường phối hợp với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích để cung cấp dịch vụ từ dự phòng đến điều trị và chăm sóc toàn diện.
Đối với các trường đại học, trung học chuyên nghiệp: Các hoạt động truyền thông tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các sự kiện truyền thông lớn và các buổi offline với quy mô vừa và nhỏ cần được triển khai thường xuyên hơn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố có tình hình dịch HIV/AIDS cao như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương…
Đối với Ngành y tế và Liên đoàn lao động các tỉnh/ thành phố, đặc biệt ở các tỉnh/thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp: Cần có kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng và xét nghiệm HIV cho công nhân, lao động nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho lực lượng lao động trước tác động của HIV/AIDS.
Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các kênh thông tin, truyền thông của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp, tập trung vào một số nội dung: Hiểu biết về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV... Tổ chức phân phát ấn phẩm truyền thông, các hội thảo, sự kiện và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân của một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS, đặc biệt ở các khu công nghiệp lớn.
Trong những năm qua, các tổ chức cộng đồng (gồm các thành viên thuộc mạng lưới, cộng đồng người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã tự nguyện hợp lực với nhau thành các nhóm) đã tích cực và sáng tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm không chuyên, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV, chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao đến cơ sở y tế nhận các dịch vụ HIV/AIDS như làm xét nghiệm khẳng định HIV, điều trị ARV, điều trị methadone, điều trị PREP.
Các tổ chức cộng đồng có đã đóng góp phát hiện mới hơn 50% số người nhiễm HIV, giới thiệu phần lớn khách hàng nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng PREP, hỗ trợ chuyển gửi người nhiễm HIV đi điều trị sớm ARV và đặc biệt hỗ trợ tuân thủ điều trị tốt, cầu nối cơ bản giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, đóng góp vào việc giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.
Các cơ sở y tế triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS đều có liên kết với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích. Vai trò của đội ngũ này như cánh tay nối dài của các cơ sở y tế đặc biệt hiệu quả khi dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang tập trung chủ yếu ở các nhóm có hành vi nguy cơ như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy và mại dâm.
Dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS là một trong những dự án tiêu biểu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hoạt động can thiệp giảm hại, hỗ trợ tiếp cận. Dự án VUSTA đã giúp cho nhiều trường hợp nhiễm HIV được phát hiện tình trạng bệnh và tiếp cận dịch vụ y tế.
Từ năm 2018 đến nay, dự án VUSTA luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận với dịch vụ y tế. Trong số đó, một trong những mục tiêu của dự án là đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng và thuận lợi.
Do đó, dự án VUSTA khuyến nghị mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước, bên cạnh đó đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội tham gia bảo đảm an sinh xã hội; tập trung các giải pháp làm giảm kỳ thị của xã hội đối với người tiêm chích ma túy, MSM, phụ nữ bán dâm và tăng ngân sách cho các dịch vụ dành cho các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, quy trình để cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nguy cơ cao nên được tính toán lại và đơn giản hơn.
P.V

>> xem thêm

Bình luận(0)