Xã hội ngày càng phát triển, việc học cũng ngày càng được coi trọng. Thời buổi bây giờ, mỗi gia đình chỉ có một, hai con, nên việc học của các con nhận được sự đặc biệt quan tâm của cha mẹ. Lo lắng, tạo điều kiện, đốc thúc, định hướng, đặt niềm tin to lớn và tự hào với thành quả. Vì thế mùa tổng kết năm học, vô tình lại trở thành mùa khoe giấy khen, phần thưởng của con.
Như sáng hôm kia, tôi lên lớp đọc điểm số cuối năm học, nghe học sinh than: “Cô ơi, em mà không được học sinh giỏi, chắc bố mẹ sẽ cạo đầu không thấm nước luôn”.
Nhiều em khác cũng tranh thủ giãi bày: “Bố em sẽ đánh một trận nên thân, còn mẹ em sẽ chửi. Như bạn K. đó, bảy năm liền bạn là học sinh giỏi, lên lớp Tám hết giỏi, trời ơi, bị ông bố treo ngược hai cái giò lên, đánh bầm đen luôn”.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi nghe và rất thông cảm, thông cảm cho học sinh và cho phụ huynh nữa. Vì hơn ai hết, tôi hiểu niềm tự hào tuyệt đối của bố mẹ khi có một đứa con học giỏi như thế nào.
Tôi là cô giáo và là một phụ huynh, tôi cũng có tâm lý đó. Tôi lo lắng việc học của con, tạo mọi điều kiện để con phát triển con đường chữ nghĩa. Nhưng đâu phải cứ muốn là được. Con tôi tối dạ, giảng nhiều hiểu ít, điều đau khổ nhất là con không hứng thú với việc học. Vậy là từ lớp Một đến lớp Tám, cháu là học sinh trung bình.
Vì là giáo viên nên cuối năm, ai gặp tôi cũng hỏi: “Con em đạt danh hiệu gì? Chắc cũng giỏi chớ?”. Câu hỏi ấy mang hàm ý khẳng định, con giáo viên sao không giỏi cho được!
Tôi đã nghĩ mình cứ tận lực rồi tới đâu tới, con học chứ mình đâu thể học giùm con được. Học mà o ép, áp lực thì tội tuổi thơ con quá. Nghĩ vậy mà nhiều lúc cũng chao lòng, chẳng hạn như thời điểm này. Nếu lướt một vòng Facebook, sẽ thấy trên các trang cá nhân toàn giấy khen, phần thưởng và status liệt kê thành tích các kiểu.
Thật lòng mà nói, tôi có cảm giác vừa buồn, vừa ganh tị, cả tủi thân nữa. Thấy con ai cũng sáng sủa thông minh, còn mình, đã cố hết sức nhưng con vẫn chỉ lẹt đẹt trung bình. Nghĩ vậy lại muốn giận con, không lo học hành, chểnh mảng rồi bảo học không nổi, không vô. Đó là ngụy biện cho sự lười học.
Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, con mình chắc nó cũng muốn thông minh, học đâu hiểu đó, cũng muốn cuối năm được nhận giấy khen, phần thưởng, được mẹ hãnh diện khoe thành tích với mọi người, chứ đâu ai muốn mình học dốt, tối dạ đến vậy.
Chiều nay, đi học về, còn đứng ngoài cổng, con đã hỏi vô: “Mẹ, cuối năm con không được giấy khen, phần thưởng, mẹ có buồn không?”. Tôi chưa trả lời thì con trai cười tẽn tò bảo: “Mẹ muốn con cứ học, ráng hết sức rồi được nhiêu được chứ không bắt con phải có giấy khen, phần thưởng, đúng không?”.
Tôi cười: “Ừ, cứ ráng học, được giỏi thì mẹ mừng, không được mẹ cũng mừng, miễn con mạnh khỏe và giữ đạo đức tốt là được”.
Có sai không khi nói với con như vậy? Nhiều người bảo phải ép, phải đánh, phải chửi trẻ mới chịu học, cha mẹ mà nói không áp lực là dung dưỡng sự lười biếng của con. Tôi từng bị góp ý nhiều, nhưng thật khó. Tôi có thể làm nhiều thứ, nhưng đánh mắng để con học, để con đem giấy khen, phần thưởng về thì tôi không làm được.