Gần đến Tết, tôi cũng như bao người phụ nữ khác đều muốn dọn dẹp, trang hoàng cho ngôi nhà của mình thêm phần tươi mới, ấm cúng để đón một cái Tết thật vui. Mọi năm, tôi là người lo phần mua bán thực phẩm còn mẹ chồng tôi là người đi chợ mua hoa về trưng Tết.
Năm nay, dự án tôi làm nghiệm thu xong sớm hơn nên tôi cũng có thời gian hơn. Tôi bảo với mẹ chồng, năm nay để tôi lo luôn phần hoa Tết, bà chỉ cần thu vén, dọn dẹp thêm chút ít trong nhà. Có thêm trách nhiệm nữa nên tôi cũng ráo riết lên mạng tìm xem nơi nào bán hoa đẹp, có thêm loại hoa nào đang “hot” để mua về trưng trong nhà chơi Tết.
Đảo qua vài vòng các trang mạng, tôi thấy mọi người đang sôi sục lên hoa đỗ quyên “ngủ đông”. Loài hoa này được giới thiệu trông thì như cành củi khô cong queo nhưng cắm vào nước từ 10-15 ngày sẽ nở ra những bông hoa tím rực rỡ và chơi được cả tháng sau nữa. Nhìn những bức ảnh chụp hoa lúc nở ra từ cành củi khô mà tôi mê mẩn và thích ngay.
|
Năm nay, muốn đổi mới nên tôi mua bó hoa đỗ quyên “ngủ đông” về cắm. Ảnh minh họa. |
Tôi cũng tìm đọc thông tin về loài hoa này, hỏi han một vài người đã mua kinh nghiệm để hoa mau “thức giấc”, tươi lâu. Cuối cùng, tôi nhanh chóng quyết định bên cạnh mua bình hoa cát tường ở chỗ quen, năm nay tôi sẽ mua thêm cả một bó hoa đỗ quyên nữa về để Tết này chơi cho “lạ”.
Từ giờ đến Tết còn khoảng 19 ngày, cắm vào hoa nở ra là vào đúng dịp Tết, cả nhà tôi sẽ có một bình hoa đỗ quyên rực rỡ để đón năm mới. Tôi cũng úp mở khoe với cả nhà rằng Tết năm nay nhà mình sẽ có một bình hoa thật đẹp để “nở mày nở mặt” với khách đến chơi nhà.
3 hôm sau khi đặt hàng, tôi nhận được bó đỗ quyên khô. Chiều tan làm, tôi háo hức đi mua thêm một chiếc bình thủy tinh thật đẹp rồi về bỏ ra cắm, ngắm trước ngắm sau để có cái dáng cắm ưng ý, lúc hoa có nở cũng không bị chen chúc. Hì hục một hồi, tôi mới lên phòng thay đồ để còn xuống nấu ăn cho cả nhà.
Vừa thay xong quần áo, tôi bỗng nghe thấy tiếng bố chồng to tiếng dưới phòng khách. Tôi vội chạy xuống thì thấy bình hoa đỗ quyên của mình vừa mua về lúc chiều bị bố chồng gạt phăng xuống đất vỡ tan tành.
Thấy con dâu, ông còn cau mặt chỉ tay quát: “Ai cho cô rước cái thứ độc hại này vào trong nhà? Rõ có ăn có học có hiểu biết mà lại ngô nghê thế à? Dẹp ngay đi cho tôi”.
Tôi tái cả mặt mày, cũng không hiểu có chuyện gì mà bố chồng tôi lại bực mình đến thế. Bình thường ông cũng có “ác khẩu” với con cháu nhưng cũng không đến mức nào. Tôi vội trấn tĩnh lại và nói: “Hoa con mua bố ạ. Nhưng con chưa hiểu vì sao bố lại bảo thế? Hoa này là hoa “ngủ đông”, cắm vào nước rồi sẽ hồi lại và ra hoa mà bố”.
Ông vẫn hằm hằm nhìn tôi và bảo: “Cô không xem ti vi đưa tin cái hoa này có tẩm hóa chất à? Hoa gì mà khô như cành củi, cắm vào nước lại hồi được. Không tẩm hóa chất thì là gì? Nhà có trẻ con mà sao không cẩn thận, để chúng nó hít phải nhỡ làm sao thì ai chịu trách nhiệm?”.
|
Tôi sững sờ khi nghe bố chồng quát rằng đang rước độc vào nhà. Ảnh minh họa |
Nghe xong, tôi cũng hiểu lý do bố chồng phản ứng gay gắt thế. Hóa ra ông bà ở nhà xem ti vi, thấy đưa tin về hoa này nên đâm ra có ác cảm. Tôi nhẹ nhàng đáp trả: “Bố ạ, con cũng đọc và xem những thông tin đó rồi. Thực tế là hoa này có đặc tính sinh học như thế. Người ta cắt về sấy lạnh, cành héo cạn nước nên mới thế. Chứ độc thì một số loài hoa khác như hoa loa kèn, hoa rum, hoa trúc đào… cũng có. Nhưng ăn vào mới có vấn đề, chứ không phải cứ cắm ở nhà là có độc đâu ạ. Bình hoa con để trên cao, trẻ con nhà mình không với được nên con nghĩ cũng không vấn đề gì đâu”.
Bố chồng tôi lúc này dường như cũng đỡ bực hơn. Nhưng vẫn hậm hực buông lại một câu: “Tôi không biết. Cô cứ mua hoa khác về cắm cho đỡ phải suy nghĩ. Không thì để mẹ chồng cô đi mà mua hoa. Chứ giờ thì dọn cái đống củi khô kia đi. Không cắm là không cắm”. Nói rồi ông bỏ lên phòng.
Tôi ở lại phòng khách, lẳng lặng thu dọn “bãi chiến trường” còn lại. May là mình cũng tìm hiểu kỹ thông tin rồi, không thì quả thật mang luôn tiếng ác là rước độc vào nhà chồng. Thôi thì tan nát thế này rồi cũng đành phải vứt đống cành hoa kia đi để gần Tết mua hoa tươi khác về cắm bù vậy.