Bánh bị rán quá cháy
|
Ảnh minh họa. |
Những ngày trời lạnh vào dịp Tết, ăn bánh chưng rán được nhiều gia đình lựa chọn. Đây cũng là giải pháp lựa chọn cho những ai lười ăn cơm. Tuy nhiên, khi rán bánh chưng ngoài việc dùng dầu ăn sạch, đảm bảo thì phải rán ở mức lửa vừa phải để không bị cháy.
Theo các nghiên cứu, ăn các thực phẩm bị chiên, rán, nấu quá cháy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Với thực phẩm cháy sẽ sản sinh ra chất hóa học acrylamide. Đây là chất phát triển trên các thực phẩm chứa tinh bột bị cháy do nấu ở nhiệt độ quá cao có thể tăng nguy cơ ung thư.
Các nghiên cứu trên động vật từng cho thấy, acrylamide và chất chuyển hóa glycidamide gây ảnh hưởng ADN và phát triển ung thư. Khi chất này vào tiêu hóa, sẽ đi đến các cơ quan gây đột biến gen và tấn công tế bào.
Bánh chưng luộc chưa chín
Thời gian luộc bánh chưng kéo dài từ 10-12 tiếng. Nếu không đạt đến thời gian này, bánh chưng có thể bị hỏng sớm hoặc cứng, không cảm nhận được hết độ ngon.
Luộc bánh chưng chưa chín, khi ăn phần nhân sẽ không thơm mà còn gây đau bụng, khó chịu cho hệ tiêu hóa.
Do đó những bánh chưng đã có mùi ôi, thiu phải cho vào sọt rác, tuyệt đối không ăn. Khi cắt bánh chưng, nếu chưa ăn hết phải bọc màng bọc thực phẩm, cho vào tủ lạnh, không bảo quản ở nhiệt độ phòng dễ bị vi khuẩn tấn công gây đau bụng, tiêu chảy.
Không ăn bánh chưng mốc
Do nhiều gia đình vẫn có thói quen gói bánh chưng với số lượng nhiều để ăn dài ngày trong dịp Tết. Việc bảo quản bánh chưng là rất quan trọng vì nếu bảo quản không tốt sẽ dẫn đến mốc, lên men.
Với bánh chưng mốc, nhiều người có thói quen tiếc của nên gọt bỏ phần mốc, rán lên, bánh vẫn giữ được mùi thơm và ngon đặc trưng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tốt nhất không nên ăn những thực phẩm đã bị mốc như vậy vì tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm. Để tránh mốc, bánh chưng nên bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5-10 độ C.
Người không nên ăn bánh chưng
Bệnh thận
Đối với người mắc bệnh thận thường kèm theo các triệu chứng như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc tăng mỡ máu cao thì cần tránh xa bánh chưng vì nó rất nhiều chất béo.
Béo hoặc béo phì
Những người thừa cân chỉ nên ăn rất ít bánh chưng vì loại bánh này rất giàu năng lượng, nhiều tinh bột. Đặc biệt, nếu đã mắc bệnh béo phì thì không nên ăn bánh chưng, nhất là bánh chưng rán thì nó cực giàu năng lượng, nhiều chất béo.
Nếu bạn vẫn giữ thói quen ngày Tết ăn bánh chưng kèm dưa hành, thịt đông thì thực sự nguy hiểm bởi dưa hành chứa hàm lượng muối cao, còn 2 loại thực phẩm kia thì nhiều chất béo, không tốt cho người mắc bệnh thận có kèm thêm tăng huyết áp hoặc bị phù.
Bị mụn nhọt
Những người bị mụn nhọt nên ăn ít bánh chưng vì loại bánh này là đồ nếp gây nóng trong, làm nặng hơn tình trạng mụn nhọt.
Bị đau dạ dày
Bánh chưng thường chứa gạo nếp và đỗ xanh thực sự không tốt cho người đau dạ dày bởi 2 nguyên liệu này sẽ tạo ra hơi khiến người bệnh đầy bụng, khó chịu, ợ chua, khó tiêu...Khi ăn quá nhiều đồ nếp sẽ khiến dạ dày luôn bị ức ách khó chịu và dễ bị ợ chua.
Bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch
Người mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch cần tuân theo một chế độ ăn uống để ổn định sức khỏe. Những người này nên hạn chế ăn bánh chưng để bảo vệ sức khỏe của bản thân mình.