Coi chừng mắc bệnh ung thư vì đốt nến thơm

Google News

(Kiến Thức) - Việc lạm dụng nến thơm có thể gây khó thở, nghẹt thở, thậm chí việc ở lâu trong môi trường có nến thơm sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. 

Sử dụng nến thơm có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, khó thở, nghẹt thở, ở lâu trong môi trường đốt nến thơm, cơ thể sẽ hấp thụ chất độc hại là mầm mống gây mắc bệnh ung thư.
Choáng váng, ngất vì nến thơm
Vốn lãng mạn, thích trong nhà luôn có hương thơm thoang thoảng, chị Lê Ánh Tuyết (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có thói quen cứ tối đến là đóng hết các cửa, đốt nến thơm. Phòng ngủ của chị dù mùa đông hay mùa hè, dù bật máy lạnh hay không chị cũng luôn để một cây nến thơm. Mới đây chị sinh con, không hiểu sao con chị luôn khò khè, khó thở, dù khi sinh không có vấn đề gì về đường hô hấp. Cách đây mấy hôm, giữa đêm cháu lả đi, người tím tái, chị vội vàng cho con nhập viện. May mà cháu được hô hấp kịp thời nên qua cơn nguy kịch. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị ngạt thở bởi mùi thơm. Việc đốt nến thơm trong phòng kín dễ khiến người hít thở không khí đó bị đau đầu, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. 
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Melbourne (Australia), nến thơm có chứa nhiều loại hóa chất nguy hiểm như benzen và toluen. Toluen, hay còn gọi là mêtylbenzen hay phenylmêtan, một chất lỏng trong suốt, không hòa tan trong nước. Toluen là một 
hyđrocacbon thơm được sử dụng làm dung môi rộng rãi trong công nghiệp. Cũng giống toluene, benzen là một hydrocacbon thơm, trong điều kiện bình thường là một chất lỏng không màu, mùi dịu ngọt dễ chịu, dễ cháy. Đối với những người sử dụng nến thơm hằng ngày trong nhiều năm hoặc chỉ sử dụng một cách thường xuyên, việc hít phải các chất hóa học nguy hiểm này bay trong không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, dị ứng hay hen suyễn.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đốt nến trong phòng kín làm tăng nguy cơ bị hen suyễn, nguy cơ bệnh phổi do hàm lượng khí độc tỏa ra không được hòa loãng vào không khí. Việc dùng hương và nến sử dụng nhiều hóa chất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng. Giống như khói thuốc lá, khói than, khói từ các sản phẩm hương độc hại có chứa các chất có hại cho sức khoẻ như benzen, toluene, xylenes... Những loại nến độc hại là nến khi cháy, chất parafin không bị đốt hoàn toàn sẽ bay vào không khí. Những tác nhân này đều có ảnh hưởng tới sức khẻ con người.
Coi chùng mác bẹnh ung thu vì dót nén thom
 
Càng thơm, càng độc
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn, người từng nghiên cứu về nến cho biết, nến càng thơm thì càng có nhiều dầu parafin, đồng nghĩa với việc nến càng thơm thì càng độc. Có những loại nến mềm có đến 70 - 98% dầu parafin, 2 - 30% cao su tổng hợp, đặc biệt là SEBS. Đây là loại polyme nhiệt dẻo có tính tương hợp với dầu parafin nên chúng hòa tan vào nhau rất tốt. Trong phân tử của SEBS chỉ có các nguyên tử hydro và cacbon nên khi cháy sẽ sinh ra CO2 và nước. Khi SEBS cháy không hoàn toàn, có thể tạo ra cacbon monoxit (CO) và muội than. Khi hít phải muội than này, hệ hô hấp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, hương thơm ở mức độ nhẹ vừa phải có tác dụng kích thích thần kinh, tạo cảm giác thư thái dễ chịu, nhưng về bản chất, tất cả các loại hương thơm không có nguồn gốc tự nhiên đều gây hại cho cơ thể khi hít phải. Nhiều trường hợp đau đầu, chóng mặt nếu ngửi, hít mùi thơm lâu. Mùi thơm từ các chất hóa học từ nước hoa đến dầu gội, sữa tắm, xà phòng... ít nhiều đều có những tác hại không tốt đến sức khoẻ, đó là lý do vì sao các nhà khoa học luôn khuyến cáo nên hạn chế sử dụng các loại hóa chất này.
Khuyến cáo đưa ra đối với người có thói quen sử dụng nến thơm, tốt nhất là nên đốt nến ở những nơi thông thoáng, có khí lưu thông, tuyệt đối không đốt nến trong phòng kín, đặc biệt là phòng có trẻ nhỏ. Có thể tự chế mùi thơm tự nhiên bằng các loại tinh dầu hoa, vỏ trái cây... thay thế để tạo mùi thơm trong không gian sống mà không cần phải đốt nến. Khi chọn nến thơm, nên xem kỹ thành phần, ưu tiên các loại nến có nguồn gốc tự nhiên, khi đốt không gây ra các loại khí độc hại.
Theo các chuyên gia, hiện thị trường cũng đã bắt đầu xuất hiện một số loại nến có nguồn gốc tự nhiên được làm từ sáp ong, bời lời, quế, hồi, thảo quả, hương bài... thay vì parafin, tinh dầu tự nhiên. Việc sử dụng nến thơm để thư giãn, sảng khoái nhưng chỉ nên đốt nến trong khoảng 1 giờ đồng hồ, không nên đốt nến thơm cả ngày trong nhà. 
Bảo Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)