Trẻ nôn ra máu vì ngửi hương thơm

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây, ba học sinh tại Anh đã phải tới bệnh viện cấp cứu vì nôn ra máu sau khi sử dụng hương  khử mùi thảo dược có tên Clockwork Orange.


 

Ba học sinh này gồm 2 nữ và 1 nam đều khoảng 15 tuổi sống tại Blyth, Northumberland, Anh đã được xe cấp cứu đưa tới bệnh viện ngay sau khi họ cảm thấy khó chịu và bắt đầu nôn ra máu.

Mặc dù cả 3 học sinh này đều được các bác sĩ cấp cứu kịp thời nên đã dần dần ổn định về sức khỏe tuy nhiên họ vẫn phải ở lại bệnh viện để được theo dõi tránh trường hợp những biến chứng bất thường xảy ra. 

Theo lời quảng cáo từ nhà sản xuất của loại hương thảo dược này cho biết đây là một loại hương tuyệt vời được pha chế theo công thức vô cùng linh hoạt mang lại cảm giác sảng khoái dễ chịu cho người sử dụng.

Kết quả kiểm tra mẫu hương thơm này của cảnh sát cho thấy loại hương thảo dược này chứa các hóa chất cấm vô cùng độc hại cho sức khỏe của con người.

Alan Veitch, một sĩ quan cảnh sát cho biết họ muốn cảnh báo với mọi người về sự nguy hiểm của việc sử dụng loại hương thảo dược này bằng cách gọi chúng là loại hương thảo dược bị nghiêm cấm.

Ngoài ra viên sĩ quan này còn cho biết họ đang tiếp tục đưa ra những khuyến cáo khẩn cấp đối với mọi người về mức độ nguy hiểm của loại hương thảo dược này vì chúng không chỉ gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người mà còn có thể cướp đi cả mạng sống của người sử dụng.

Việc lạm dụng mùi hương trong đời sống gây không ít trường hợp ngộ độc phải nhập viện. Hiện nay đa phần các chất tạo mùi thơm tổng hợp là các loại hóa chất có nguồn gốc từ dầu mỏ dễ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Các ảnh hưởng này nhiều hay ít phụ thuộc vào bản chất và nồng độ của chất tạo mùi, mức độ và thời gian tiếp xúc cũng như cơ địa của từng người. Dưới đây là một số loại hóa mỹ phẩm chứa mùi hương dễ gây ngộ độc ở Việt Nam:

Ngộ độc mùi thuốc xịt muỗi

Nghe bạn bè mách, chị Thủy (phố Phúc Tân, HN) lên tận phố Tông Đản mua thuốc diệt muỗi. Nhưng sau khi phun xong, dù đã để khô và một ngày sau mới cho em bé (2 tuổi) về nhà, nhưng con chị vẫn bị dị ứng sưng hết cả mặt. Có thể do chị Thủy sử dụng không đúng cách, pha không đúng liều hoặc do em bé nhà chị quá nhạy cảm.

Trước tiên và dễ thấy nhất là thuốc xịt muỗi sẽ gây rối loạn hệ hô hấp, đặc biệt là những loại thuốc xịt muỗi có chứa DEET. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu bệnh sốt rét (Mỹ), có 57% số bác sĩ báo cáo rằng các bệnh nhân thường gặp các vấn đề về hô hấp như bị suyễn, kích ứng phổi sau khi sử dụng thuốc xịt muỗi. Những bệnh nhân trước đây chưa từng bị suyễn nay cũng bị “dính” sau khi hít phải thuốc xịt muỗi.
 

Thuốc xịt muỗi cũng rất dễ thấm qua da. Một khi thấm qua da, chúng sẽ ung dung đi vào máu và ngao du khắp cơ thể để mà hành hạ nội tạng cũng như những cơ quan quan trọng khác của cơ thể như thận, não... Cho dù chưa đủ sức thấm qua da để gây hại cho cơ thể như kể trên thì ít ra da cũng bị kích ứng, nổi mẩn, ngứa da...

Trẻ em và trẻ sơ sinh rất dể bị tổn thương não nếu tiếp xúc với thuốc xịt muỗi, DEET có trong thuốc xịt muỗi có thể gây rối loạn vận động và mất khả năng tập trung ở trẻ em. Cũng theo Trung tâm Nghiên cứu bệnh sốt rét, các chất phosphates hữu cơ có trong các sản phẩm xịt muỗi có thể gây tử vong nếu sử dụng không đúng cách, nhẹ hơn thì ảnh hưởng trên hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng lên tim mạch, hệ hô hấp...

Ngộ độc mùi hương nước hoa

Nếu là người có làn da nhạy cảm, bệnh nhân bị hen, hoặc mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp khác, thì việc tiếp xúc với nước hoa sẽ càng gây ra những tác động nguy hại hơn nhiều so với người bình thường. Còn những người khỏe mạnh chỉ có thể chịu được trong thời gian đầu..., nếu tiếp xúc lâu dài, việc bị ảnh hưởng là không thể tránh khỏi. 

 

Hóa chất độc hại có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua việc hít thở hoặc qua tiếp xúc với da. Ban đầu là tấn công vào các tế bào da, dần dần, những thành phần này sẽ ảnh hưởng đến cả các cơ quan bên trong cơ thể. 

Những loại như nước hoa khô, nến thơm, dầu thơm, hương trầm... đều có nguy hại khi được đốt lên. Hương thơm từ những thứ này khi bị đốt nóng sẽ lan tỏa nhanh trong không khí, đem theo các thành phần hóa chất độc hại. Khi con người hít phải, có thể sẽ mắc các triệu chứng phổ biến như: đau đầu, sốt, khó thở, ù tai, viêm mũi, ngứa cổ họng...

Ảnh hưởng từ băng phiến thơm

Thấy bếp có nhiều gián, chị Nguyễn Hà Giang (Thanh Hóa) đã mua băng phiến về cho vào một góc bếp để đuổi gián đi. Một hôm chị đi làm ruộng về muộn, con trai 5 tuổi ở nhà một mình đói bụng vào bếp lục nồi ăn cơm nguội thấy có viên trắng, tròn liền lấy ra chơi. Không những cầm, hít, cháu còn chà xát băng phiến lên da làm da bị tấy đỏ. Khi chị Giang đi làm về thấy con có vẻ mệt, da tấy đỏ. Hỏi rõ con thì mới hay do cháu chơi băng phiến.

 

Tác động đầu tiên cần nói đến là ảnh hưởng trên đường hô hấp. Các mùi hương càng thơm, càng nồng có thể là tác nhân gây kích thích, phát triển cơn hen quan trọng dù bệnh nhân vẫn được dùng thuốc phòng ngừa đầy đủ. Bệnh nhân viêm xoang dị ứng cũng có thể trở nên khó điều trị nếu vẫn ngửi mùi thơm thường xuyên. Khoa học cũng đã phát hiện mối liên hệ của hóa chất thơm với tình trạng đột tử ở trẻ sơ sinh trong chứng co thắt đường thở do dị ứng.

Tình trạng dị ứng cũng có thể xảy ra khi dùng những chất có hương thơm trên da, dẫn đến viêm da tiếp xúc, chàm...Ngoài việc tác động trên da hoặc đường hô hấp, các hóa chất tạo hương còn có thể thấm qua da và tích lũy trong cơ thể, gây nhiều tác động có hại. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh, do da rất mỏng nên các hóa chất sẽ dễ thấm qua hơn. Cơ thể trẻ cũng non yếu nên dễ bị ảnh hưởng hơn nhiều.

Nến thơm cũng có thể chứa độc tố

Sử dụng nến thơm hiện nay cũng là một trào lưu được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt ở giới trẻ vì có ánh sáng trong một không gian thơm tho, lãng mạn. Một số loại nến có tinh dầu còn được giới thiệu có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng đầu óc, giảm stress. Tuy nhiên, cũng do tinh dầu tự nhiên có giá rất đắt, dễ bay hơi và không thể làm nến nếu không pha thêm chất ổn định khác nên đa số nến thơm có giá không đắt đều sử dụng các hương liệu tổng hợp tương tự như trên. Về nguyên tắc, nếu có mùi càng thơm thì càng có nhiều hoá chất và càng có khả năng gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người. 
 

Một nguy cơ nữa có thể gây hại cho người dùng là nến có lõi bấc bằng chì. Việc dùng dây kim loại (thường là chì) để làm lõi bấc sẽ giúp nến cháy thẳng, lâu, ngọn lửa đẹp nhưng lại không tốt cho sức khoẻ. Nhiễm độc chì có thể gây ra các vấn đề về thần kinh, gan, thận… và trẻ có nguy cơ chậm lớn.

Ngoài ra cũng nên chú ý những sản phẩm có mùi thơm mà chúng ta sử dụng hàng ngày nhưng không hề biết chúng rất có hại cho sức khỏe, như sáp khử mùi và nước hoa xịt phòng, chất tẩy rửa có mùi thơm...đặc biệt là trẻ nhỏ

Cách sử dụng sản phẩm có mùi hương an toàn

Để giữ được sự an toàn khi sử dụng những sản phẩm này, trước hết, cần hạn chế tối đa dùng những sản phẩm với mùi thơm có nguồn gốc từ hóa chất. Nếu sử dụng, nên chọn  loại sản phẩm chỉ có mùi thơm nhẹ. Nên dùng lượng vừa phải để không ảnh hưởng sức khỏe trẻ và người xung quanh.

Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, chúng ta càng nên tránh dùng các loại có mùi thơm, đặc biệt là các sản phẩm thơm nồng. Nếu phải sử dụng, nên bắt đầu dùng ở mức độ ít  và chú ý quan sát xem có phản ứng gì lạ ở người trong nhà hay không. 

Nếu có thể, hãy sử dụng mùi thơm tự nhiên từ thảo dược tươi, như các loại cây bạc hà, hương nhu...để đảm bảo an toàn và cò lợi cho sức khỏe. Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cần tránh cho da trẻ tiếp xúc trực tiếp với các chất xịt phòng có mùi thơm, nhất là các mùi quá nồng.   

TIN LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:

H.L (Tổng hợp)

Bình luận(0)