Họp lớp là một hoạt động để những người từng là học sinh và các thầy cô gặp mặt sau nhiều năm ra trường.
Buổi gặp nhằm tạo sự gắn kết giữa các thành viên từng chung một lớp học ngày xưa. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người ôn lại kỷ niệm cũ, thăm hỏi, giúp đỡ nhau.
Tuy nhiên thực tế, có nhiều buổi họp lớp đã đánh mất đi ý nghĩa tốt đẹp của nó. Không ít độc giả VietNamNet thừa nhận, họ sợ hai chữ “họp lớp”.
Độc giả ở email Linh…@gmail chia sẻ: “Tôi thấy sự giả tạo trong nhiều buổi họp lớp. Các bạn gặp nhau, ôm vai bá cổ khóc lóc, nói cười nhưng nhiều năm ở chung một thành phố, chẳng thăm hỏi, gặp gỡ nhau bao giờ. Gia đình bạn bè có người đau ốm, người mất, cũng không hỏi han một lời thì họp lớp làm gì?”.
|
Ảnh: Đức Liên |
Một bạn đọc khác cũng đồng tình: “Tôi cũng không thích họp lớp. Đó là cuộc họp vô bổ nhất. Quanh quẩn mấy việc: Khoe của, nói xấu sau lưng (nếu bạn giàu quá hoặc bạn nghèo quá) và đặc biệt là ép nhậu. Bạn tôi còn bảo: “Sợ quá, hôm nào họp lớp là hôm ấy say”. Thậm chí, một người bạn ở khác lớp của tôi đã gặp tai nạn xe máy vì say rượu sau buổi họp lớp - uống quên trời quên đất”.
Độc giả Lê Thúy Minh cũng bày tỏ sự tán thành: “Bao năm chẳng gặp nhau, các mối quan hệ nhạt nhòa. Thậm chí có người gặp còn không nhớ mặt. Các bạn ăn uống, tụ họp xong rồi về, tôi thấy rất nhạt nhẽo. Tôi chỉ chơi với một nhóm bạn thân. Khi ai cần giúp, chúng tôi đến ngay. Ai có vui, buồn cũng đều gặp gỡ thường xuyên để chia sẻ, động viên”.
“Tôi vừa dự họp lớp 15 năm. Lớp 47 người thì có 30 người đi, chỉ ăn uống và chém gió, khoe của. Sau đó, cả lớp tìm chỗ karaoke tranh nhau hát, rồi kêu gọi người này phải ủng hộ quỹ lớp để ăn nhậu. Năm nay, cuối tháng 11 lại họp lớp, tôi chả tham gia, ở nhà đọc sách, dạy con học”, một độc giả VietNamNet chia sẻ.
Tương tự, một bạn đọc khác cũng nhấn mạnh: “Đằng sau những buổi họp lớp là những cuộc nhắn tin vụng trộm, những cuộc tình sai trái và những gia đình tan nát. Tôi đã từ bỏ tất cả những cuộc họp lớp khi nhận ra vấn đề và không mang lại điều gì cả, thậm chí còn mất thời gian, tiền bạc”.
Tuy nhiên cũng có nhiều độc giả cho rằng, họ cảm thấy buổi họp lớp là vô cùng quan trọng và đáng được mong chờ.
Bạn đọc Lê Hoàng Long chia sẻ: “Chúng tôi cũng họp lớp, cũng có khoe giàu, khoe con nhưng không ai nghĩ ngợi gì cả. Khi họp lớp, bạn hãy bỏ qua mọi thứ, cứ thoải mái như hồi đi học nhằm giải stress. Bạn đừng đặt những mục đích cao xa kiểu như "thắt chặt tình đoàn kết". Sau vài tiếng vui chơi, ai về nhà nấy và sống với cuộc đời riêng của mình”.
Tương tự, độc giả có nickname Love 12A4 cũng chia sẻ về buổi họp lớp đầy ý nghĩa của tập thể anh.
Người này viết: “Lớp tôi vừa kỷ niệm 20 năm ra trường, mọi người đều cảm thấy buổi kỷ niệm thật ý nghĩa. Nhiều thầy cô chia sẻ, chưa bao giờ dự một buổi kỷ niệm nào tình cảm, xúc động như vừa rồi. Lớp có mặt 58/65 người. Trong lớp có nhiều bạn là chủ doanh nghiệp, chủ hệ thống nhà hàng, spa, chủ cửa hàng xăng dầu... Họ lại là những người phụ trách nhiều việc nhất, như: đưa đón thầy cô, làm MC, tổ chức sự kiện, bố trí sắp xếp đội hình, kê bàn sự kiện…”.
Độc giả này chia sẻ thêm: “Tại buổi kỷ niệm, họ xây dựng kịch bản mời các bạn ở xa lâu ngày không gặp đứng lên chia sẻ với lớp. "Các ông chủ" này cũng là người ủng hộ tài chính nhiều nhất nhưng lại không chia sẻ gì trong buổi hôm đó. Các bạn trong lớp rất tôn trọng họ. Tôi tự hào vì lớp tôi có các bạn đó”.
Cùng quan điểm, độc giả Hương cũng cho rằng: “Không nên đổ lỗi cho việc họp lớp bởi xét về mặt tích cực nó rất có ý nghĩa cho việc kết nối tình cảm (hoạt động thăm hỏi ma chay, cưới hỏi) sẽ mang lại một tinh thần ấm áp cho mọi người. Có trách chỉ trách mấy bạn học đã quá ích kỷ, tham lam, dễ dãi muốn khám phá cảm giác xưa cũ mà thôi”.
“Họp lớp sẽ thật vui nếu tất cả đều vô tư nghiêm túc”, độc giả này nhấn mạnh.
Một bạn đọc có tên là Thảo cũng chia sẻ: “Lớp cấp 3 của mình họp lớp vui lắm, đến đó gặp lại các bạn và nhớ về ngày xưa, bao nhiêu kỉ niệm. Mình thấy giai đoạn cấp 3 là giai đoạn vui nhất. Mọi người ai cũng hòa đồng, thi nhau chém gió chứ lấy đâu ra mà chê bai, cạnh khóe nhau?”.
Tương tự, người viết Hà My (Bắc Ninh) cũng chia sẻ câu chuyện ý nghĩa ở lớp chị. Sau buổi họp lớp, các thành viên trong lớp mới biết gia đình bạn X. đang gặp khó khăn.
X. làm tại một cơ quan nhà nước, chồng người bạn này đang bị ung thư. Gia đình có 2 con nhỏ, kinh tế không hề dư giả. Vì vậy cả lớp chị đã cùng nhau kêu gọi quyên góp hỗ trợ để lo tiền chạy chữa cho chồng bạn. Khi chồng X. không may qua đời, các thành viên trong lớp còn kêu gọi được các mạnh thường quân đồng ý tài trợ cho con bạn ăn học đến năm 18 tuổi.
Chị My nói: “Nếu không có buổi họp lớp đó, chúng tôi chẳng bao giờ biết rằng bạn mình vất vả đến vậy. Tôi nghĩ đó là ý nghĩa tốt đẹp nhất của họp lớp và chúng ta nên duy trì”.