Sau hai năm yêu nhau tràn đầy mật ngọt, cuối cùng Hạnh và Tiến cũng có thể đi đến cái đích viên mãn của tình yêu là hôn nhân. Vừa rồi gia đình Tiến đã sang bên nhà Hạnh dạm ngõ và đặt vấn đề bàn ngày cưới hỏi của hai người, có thể coi Hạnh đã một chân bước vào nhà Tiến làm dâu con trong nhà.
Ngay ngày dạm ngõ, Hạnh có nghe chồng tương lai kể về việc mẹ anh cho cô 5 chỉ vàng làm của hồi môn. Vì bà không tiện đi lại nên sẽ giao tiền cho Tiến và hai vợ chồng đưa nhau đi chọn mẫu mà cô thích. Hạnh cũng cảm thấy vui mừng vì chí ít hành động của mẹ Tiến cũng chứng mình rằng việc cô về làm dâu nhà anh là được chào đón bằng tình yêu thương và sự tâm lý của mẹ chồng.
Như đã hẹn, hôm ấy Tiến qua đón Hạnh đi mua vàng. Hạnh nhớ như in việc Tiến đã trao đổi với cô là mẹ chồng cho con dâu 5 chỉ, nhưng chẳng hiểu sau lúc gặp nhân viên tư vấn, chồng cô lại đòi xem chiếc kiềng vào có giá trị gấp đôi. Lúc này Hạnh hỏi thì Tiến chỉ cười nói: "Em cứ để cho anh lo, em chọn mẫu nào vừa ý là được."
Không rõ sự thay đổi này là do Tiến tự thêm tiền vào mua hay mẹ chồng cô cho thêm, nhưng nghe lời chồng nói vậy Hạnh cũng yên tâm mà chọn mẫu mình thích. Chằng ngờ đâu chính hành động này của hai vợ chồng mà bao nhiêu cảm tình gia đình chồng Hạnh dành cho cô bỗng chốc tiêu tan.
Cụ thể là ngay sau khi mua vàng, Tiến đưa Hạnh về nhà mình ăn cơm. Anh cũng hào hứng khoe ngay với mẹ chồng cái kiềng vàng hai vợ chồng đã đi mua. Nào ngờ đâu vừa nhìn thấy cái kiềng, mẹ chồng Tiến giãy lên:
"Sao mẹ bảo mua 5 chỉ mà lại mua thành thế này hả Tiến, Hạnh?"
Thấy phản ứng có phần gay gắt của mẹ chồng, Hạnh tròn mắt ngạc nhiên, Tiến lại dửng dưng:
"Ôi dời mẹ ơi có gì đâu. Mẹ cho 5 chỉ rồi còn đâu con thêm mua cho vợ con, đằng nào mà bọn con chẳng làm kỷ niệm. Cùng cái công mua thì mua cho bõ."
"Không được, mẹ đã dặn là mua đúng 5 chỉ cơ mà. Con ơi là con ơi, đem đi đổi ngay! À, hay là tại cô thích cái to hơn nên bắt con trai tôi thêm tiền mua đấy phỏng?"
Mắt mẹ chồng Hạnh bỗng nhiên long lên, quay sang nhìn cô tra hỏi. Hạnh sợ hãi co rúm người, miệng chỉ biết lắp bắp.
Vừa lúc ấy, chị dâu của Tiến đi làm về bước vào nhà nhìn thấy chiếc kiềng vàng. Chị ta cất giọng hỏi:
"Ơ kiềng mẹ mua làm của hồi môn cho con dâu à. Hạnh sướng nhé, được hẳn gấp đôi chị, mẹ yêu con dâu mới thế còn gì".
Nói rồi chị ta đặt chiếc kiềng vàng xuống và đi về phòng. Mẹ chồng Hạnh nhìn Hạnh và Tiến lắc đầu, bà cũng chẳng nói chẳng rằng thêm nữa.
Hóa ra là vậy, mẹ Tiến vì sợ dâu lớn tị nạnh dâu bé nên nhất quyết mua cho 2 đứa kiềng vàng có trị giá như nhau. Khổ nỗi chồng tương lai của Hạnh lại ngây thơ không biết, nghĩ đơn giản rằng mình cứ thêm tiền mua loại to hơn cho vợ cũng được.
Bây giờ chỉ Hạnh là khổ nhất, trong mắt mẹ chồng bỗng nhiên trở thành đứa con dâu hám tiền, bắt ép con trai bà mua của hồi môn nhiều hơn; trong mắt chị dâu chồng lại trở thành cô em dâu tranh hết sự yêu thương từ mẹ chồng. Đúng là chẳng cái dại nào bằng cái dại nào, biết thế Hạnh chẳng nghe theo lời chồng cô nữa là xong.