Cô dâu chạy đua để có bầu theo ý mẹ chồng tương lai
Nếu như trước kia, cô dâu phải “cưới chạy” vì lỡ có bầu thì giờ đây, có bầu trước khi cưới là “mốt”. Thậm chí, cô dâu còn được nhà chồng yêu cầu phải có bầu mới cưới. Vậy là trước khi chính thức bước vào cuộc sống hôn nhân, nhiều cô dâu hiện nay phải chạy đua để có… bụng bầu theo ý của nhà chồng.
Tần ngần ngồi xuống bàn tư vấn của bác sĩ, chị Hạnh Nga (Hà Nội) rưng rưng nước mắt cho biết, chị đang mang thai ở tuần thứ 30. Chị phải nhập viện vì có nguy cơ dọa sinh non.
Bác sĩ Trần Vũ Quang, Khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có cảm xúc lẫn lộn. Anh vừa xót xa, vừa bất bình khi tiếp nhận trường hợp thai phụ này.
“Trong quá trình điều trị, người mẹ có tâm sự và xin tôi cho lời khuyên. Chị nói rằng, sinh xong, chị và người yêu sẽ làm đám cưới. Nhưng hiện chị đang cảm thấy rất áp lực, không biết có nên làm đám cưới không?”, Bác sĩ Trần Vũ Quang nhớ lại.
Cô dâu đang mang bầu này cho biết sau 6 năm chung sống với người yêu, đến khi ai cũng có công việc ổn định, chị cùng người yêu về thưa chuyện cưới xin với bố mẹ đôi bên. Tưởng mọi chuyện sẽ suôn sẻ bởi bố mẹ đôi bên đều ưng cô dâu, chú rể từ trước. Nga không ngờ mẹ chồng tương lai yêu cầu chị phải có bầu mới cưới vì sợ con dâu bị “tịt” như con dâu nhà hàng xóm.
Nga hoang mang. Nếu không có bầu thì sẽ không được bố mẹ cho cưới. Ngược lại, nếu có bầu thì chị sợ sẽ bị mang tiếng “ăn cơm trước kẻng”. Nhưng vì yêu anh, Nga chấp nhận cuộc “giao kèo” này.
Sau 3 tháng “thả”, Nga vô cùng căng thẳng vì “đèn đỏ” vẫn ghé thăm đều đặn, không chệch ngày nào. Người yêu dẫn Nga đi khám sức khỏe sinh sản. Cô như chết đứng khi nghe bác sĩ nói mình bị buồng trứng đa nang, khả năng có con rất khó.
Bụng lùm lùm nhưng thầy bảo “chưa cưới được”
Chạy chữa đông tây y kết hợp vẫn không có kết quả như ý, mẹ chồng tương lai gọi điện bảo Nga rời xa con trai bà để bà tìm cho con một người vợ khác “biết đẻ”.
Chán nản, tuyệt vọng, Nga đã chấp nhận chia tay người đầu gối tay ấp với mình 6 năm nay. Và điều làm Nga đau đớn nhất là người chồng “hụt” cũng chấp nhận điều đó.
Sau khi chia tay, Nga vật vờ sống qua ngày. Chỉ đến khi cô bỗng cảm thấy trong người khang khác, nhìn thấy tờ lịch mới giật mình vì đã trễ kinh hơn nửa tháng. Nga mua que thử thai về thử thì thấy hai vạch hiện lên căng đét.
Nửa mừng nửa lo, gạt tất cả nỗi giận hờn sang một bên, muốn con mình có bố, Nga gọi điện thông báo cho người yêu. Họ chở nhau đến bệnh viện khám thì được biết, thai đã được gần hai tháng tuổi.
Mẹ anh người yêu thấy vậy liền tới thăm nom Nga, rồi tất tả đi xem ngày cưới kẻo bụng to. Vậy mà oái oăm thay, lại chưa được ngày đẹp, chưa được tuổi nên phải đợi sang năm. Nếu chờ tới sang năm thì cũng là lúc Nga…sinh con.
|
Không ít cô dâu phải nuốt nước mắt, chờ sinh con xong mới được cưới. Ảnh minh họa. |
Nga không còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi một đám cưới. Vác cái bụng to lùm lùm khi chưa có chồng, Nga xấu hổ chỉ muốn độn thổ mỗi khi có người hỏi thăm. Bởi suy nghĩ và căng thẳng quá nhiều nên chị bị dọa sinh non ở tuần thứ 25, phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Trần Vũ Quang đã phải dùng cụm từ “máy đẻ” khi nói về các trường hợp chị em chấp nhận có bầu mới cưới mà anh từng tiếp nhận.
Nam bác sĩ sản khoa bày tỏ: “Chỉ vì khó có bầu, chị em rất có thể sẽ bị người yêu thương bỏ lại đơn độc. Còn anh chàng người yêu sẽ bước tiếp trên con đường gọi là “tìm người sinh con”. Còn nếu có thai thì trăm ngàn nỗi khổ sở, vất vả chỉ có một mình chị em gánh chịu. Ngộ nhỡ rủi ro xảy ra cho sức khỏe người mẹ và em bé khi chưa có bất cứ một ràng buộc pháp lý, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.