Câu chuyện ai sử dụng chất tạo nạc cho lợn vẫn chưa có hồi kết, khi người chăn nuôi đổ lỗi cho thương lái ép phải dùng sản phẩm này. Thế đàn ông (chủ yếu là thanh niên và trung niên) tập trong các câu lạc bộ thể hình, ai ép họ dùng thực phẩm chức năng để tăng nhanh cơ bắp?
Tiêu chí của người đàn ông đẹp là có thân hình tầm thước, vạm vỡ, đặc biệt cơ bụng phải nổi 6 múi. Đạt được kết quả này, đàn ông phải trải qua một quá trình tập luyện và ăn uống hợp lý trong một khoảng thời gian dài không thể dưới 6 tháng.
Thế nhưng, có những lời mách nhỏ về sử dụng thực phẩm chức năng thì sau 2 tháng sẽ đạt được mục tiêu thành đàn ông 6 múi. Hai câu chuyện nhưng đều có chung một bản chất: Đó là sức khỏe của người tiêu dùng.
|
Lợn không đứng lên được vì chất tạo nạc. Ảnh minh họa: TTO |
Theo khảo sát, 1 con lợn sử dụng đủ liều tạo nạc sẽ tăng 30kg so với con cùng loại không sử dụng chất tạo nạc. Lợi nhuận của lợn siêu nạc là thêm 1 triệu đồng/con. Người chăn nuôi đã mờ mắt trước lợi nhuận mà quên đi kẻ sát thủ giấu mặt nằm chính trong nguồn thịt nạc dẫn đến các hội chứng ngộ độc, tim đập nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, đau cơ, loạn tiêu hóa... đối với người tiêu dùng khi sử dụng nguồn thịt bẩn này.
Đối với người tập thể hình, theo phác đồ của nhiều trung tâm thể hình thì chất lượng tập luyện chiếm 70%, chế độ ăn uống chiếm 30% kết quả. Chế độ ăn uống ở đây được chỉ định cụ thể về tỷ lệ các chất dinh dưỡng hợp lý thông qua ăn uống hàng ngày. Vì quá nôn nóng để đạt được thể hình cơ bắp, thành đàn ông 6 múi như mong muốn mà nhiều người đã không ngần ngại bỏ ra nhiều triệu đồng để mua thuốc làm tăng cơ bắp có xuất xứ từ nước ngoài với những lời quảng cáo mùi mẫn: Kích thích quá trình tổng hợp Protein, nâng cao sức bền trong tập luyện, đốt cháy mỡ thừa, phát triển nhanh cơ bắp, thúc đẩy quá trình sản sinh nội tiết tố, làm chậm quá trình mãn dục nam...
Thật là nguy hại khi sử dụng loại chất kích thích làm nên thân hình cường tráng giả tạo, khi trong bản thân trong con người đó đang ẩn chứa những hiểm họa khôn lường có cùng một nguy cơ bệnh lý như chính những người sử dụng thịt lợn có chứa chất tạo nạc, nhưng ở cấp độ còn nguy hiểm hơn vì sử dụng trực tiếp.
Có nhiều giải pháp từ người tiêu dùng đến các chuyên gia quản lý nêu ra để ngăn chặn tình trạng sử dụng vô tội vạ chất tạo nạc. Cơ quan chức năng thì đề nghị xử phạt nhiều chục triệu đồng nhưng cũng có ý kiến nếu phạt bằng tiền thì chưa đủ sức răn đe mà phải bêu tên các hộ chăn nuôi vi phạm để bài trừ họ.
Nhiều bà nội trợ lại kiến nghị giải pháp rất sát sườn, đó là: Cơ quan chức năng hãy tạo ra một sản phẩm giống như giấy quỳ tím để bán cho người tiêu dùng. Khi đến quầy thịt họ chỉ việc ngã giá mua bán, sau đó ấn giấy quỳ để kiểm tra trực tiếp mức độ độc hại, nếu dưới mức độ cho phép thì mua hàng.
Cũng có những nhà làm luật cho rằng, Bộ luật Hình sự đang được sửa đổi bổ sung, nên bổ sung một tội phạm mới đó là hành vi sử dụng sản phẩm độc hại vào hoạt động chăn nuôi... với hình phạt tương xứng. Việt Nam đang đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong các tiêu chí đó là Global GAP. Để sẵn sàng hội nhập, chúng ta phải tăng cường quản lý từ khâu chăn nuôi, thu hoạch đến xử lý sản phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn theo tiêu chí toàn cầu. Có như thế mới hội nhập được.