Hai ca phẫu thuật trong 2 năm
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu Tạo hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO cho biết, sau 2 tiếng rưỡi căng thẳng ngày 18/5, ca phẫu thuật tách, tạo hình ngón cái và ngón út cho bé Minh Anh (8 tuổi, Bình Thuận) đã thành công. Việc tạo hình 3 ngón giúp đáp ứng các chức năng cầm nắm cơ bản, các ngón còn lại nếu có điều kiện sẽ phẫu thuật trong tương lai.
|
Bé Minh Anh trước khi bước vào ca mổ thứ hai. |
Bé Bùi Hà Minh Anh mắc hội chứng Aperts do đột biến gen trong quá trình hình thành bào thai, tỷ lệ rất hiếm: 1/85.000-1/160.000. Hội chứng này gây đa dị tật trên hộp sọ, hàm mặt,xương hai bàn tay và bàn chân dính chùm
Từ lúc chào đời Minh Anh đã gặp nhiều khó khăn trong đi đứng sinh hoạt nhưng hoàn cảnh khó khăn không đủ chi phí đi mổ. Luôn nỗ lực để có thể tự tay kẹp thìa xúc cơm ăn, tự lập nhiều thứ nhưng không ít lần Minh Anh bật khóc trong bất lực. Tuổi đi học, mỗi lần kẹp bút vào các kẽ hở bàn tay, mồ hôi túa ra ướt đầm trang vở.
|
Hai tay của bé bị dính chùm từ khi sinh ra. |
Từng xử lý điều trị cho hàng trăm trẻ dị tật bàn tay, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết, trường hợp dính ngón của bé Minh Anh rất đặc biệt. Bàn tay của bé dính chùm cả 5 ngón, không chỉ dính phần mềm mà cả xương.
Trường hợp này nếu mổ rất phức tạp, song càng để lâu sẽ càng bất lợi nên bé cần phải được can thiệp sớm. Chi phí cho ca mổ đầu tiên ước tính khoảng hơn 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau lần khám đầu tiên, không thấy cô bé quay trở lại tái khám, cũng không để lại thông tin liên lạc gì, bác sĩ Xuân Anh không biết làm sao tìm được cô bé, anh đăng lời rao tìm bé Minh Anh lên trang cá nhân của mình, nhờ cộng đồng mạng lan tỏa đến người quen, người thân của bé.
Bác sĩ chủ động ngỏ ý muốn mổ từ thiện để giúp bé mau bình phục và tới trường với bạn bè. Sau 2 giờ chia sẻ thông tin trên Facebook, bác sĩ và gia đình bé đã kết nối được với nhau.
Nhờ sự trợ giúp của mạnh thường quân, ca phẫu thuật đầu tiên đã được tiến hành vào sáng ngày 21/4. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ, bác sĩ Xuân Anh đã tiến hành tách dính ngón cái và ngón út của bàn tay trái, tạo hình hai ngón này và ghép da. Và 1 năm sau, bàn tay phải của bé được tạo hình tiếp.
|
Bé đã hoàn toàn bình phục sau ca mổ thứ hai. |
5 ngày sau phẫu thuật, bác sĩ Xuân Anh vui mừng thông báo: “Các ngón tay hồng hào, da ghép sống tốt, diện mạo bàn tay mới đã thành hình. Một cái thở phào nhẹ nhõm, vậy là BS đã thực hiện trọn vẹn lời hứa một năm trước sẽ lo cho bé Minh Anh có đôi bàn tay đẹp với đầy đủ chức năng và hoàn toàn miễn phí, năm ngoái đã xong tay trái, hè năm nay hoàn thành cho tay phải, ước mơ con sau này sẽ thành cô giáo, chúc con thực hiện được trọn vẹn ước mơ”.
Giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ
Vẫn nguyên giọng quê Quảng Bình, chị Phạm Thị Loan cho biết, bé Bùi Hà Minh Anh là con út, trên bé có 2 anh trai phát triển bình thường. Khi có thai bé Minh Anh, lúc đầu là thai đôi, đến tầm 6-7 tháng thì một thai không phát triển, chỉ còn lại Minh Anh.
Chị cho biết, trong suốt quá trình mang thai, chị vẫn đi khám thai và siêu âm đều, các bác sĩ đều nói bé phát triển bình thường. Cho đến ngày lên bàn sinh, chị mới được báo bé có dị tật.
Khi bé ra đời, nhìn đứa con có hình hài không trọn vẹn, cả hai bàn tay và bàn chân đều không có ngón, đầu móp, mắt lồi to, chị không còn sức để khóc. Suốt 6 tháng đầu chị ôm con trốn trong phòng, không gặp bất cứ ai. Nhưng rồi theo thời gian, cô bé lớn dần, thấy con biết lẫy, biết bò, nỗi đau trong chị cũng nguôi ngoai dần.
Đến tuổi đi học, Minh Anh háo hức đến trường và cố gắng rất nhiều vì sợ không được nhận vào lớp. Đi đứng khó khăn, mỗi lần kẹp bút vào các kẽ hở bàn tay, mồ hôi túa ra ướt đầm trang vở nhưng cô bé vẫn không bỏ cuộc. Những từ đơn em có thể vượt qua được nhưng một số chữ ghép luôn là thách thức mỗi giờ tập viết.
|
Những dòng chữ cô bé viết từ đôi bàn tay được tách ngón. |
Khi được người quen giới thiệu đến khám tại chỗ bác sĩ Xuân Anh, nghe bác sĩ nói có thể tách ngón cho bé cầm nắm dễ hơn, chị mừng lắm, nhưng biết chi phí lên đến 40 triệu thì chị nản lòng.
Chồng chị làm thợ xây lang bạt theo công trình, chị làm lặt vặt quanh nhà trông con, không thể tìm đâu ra số tiền như vậy nên chị ôm con về với hy vọng nhờ bạn bè, người quen giúp đỡ. Chưa kiếm đủ số tiền thì chị không ngờ bác sĩ lại cố gắng tìm kiếm bé với lời hứa mổ miễn phí.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen của người mẹ khi thấy con cầm được bút, viết được những dòng chữ dù xiêu vẹo, những hình vẽ dù vụng về. Câu chuyện tưởng chừng như cổ tích giữa đời thường ấy được viết nên từ những con người rất đỗi bình dị và chân phương.