Bác sĩ cứu bệnh nhân qua Facebook là anh Nguyễn Anh Tuấn, bác sĩ chuyên về gây mê của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Anh nhận được tin nhắn từ Facebook của đồng nghiệp đề nghị hỗ trợ xử lý trường hợp một bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viên tư nhân của tỉnh Thanh Hoá bị hôn mê sau khi gây tê.
Nam bệnh nhân 26 tuổi này bị gãy xương đòn. Các bác sĩ bệnh viện tư nhân ở Thanh Hóa đã hết sức bối rối không biết chuyện gì xảy ra bởi sau khi gây tê, bệnh nhân hôn mê và đồng tử giãn.
Các thông số về dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, nhịp tim của bệnh nhân vẫn bình thường, không hề có dấu hiệu của ngộ độc thuốc tê điển hình như co giật, rối loạn tuần hoàn, ngưng thở... Dấu hiệu nổi trội của bệnh nhân là hôn mê ngay sau khi gây tê.
|
Bác sĩ Anh Tuấn - Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM. |
Là bác sĩ chuyên làm về gây tê vùng và giảm đau, đã có kinh nghiệm trong các trường hợp ngộ độc thuốc tê toàn thân, bác sĩ Tuấn cho biết, ngay lúc đó ông đã nghĩ ngay đến biến chứng này. Nhưng đây là trường hợp không điển hình và biểu hiện chủ yếu ở hệ thần kinh trung ương do thuốc tê gắn chặt với các tế bào ở vỏ não gây ra triệu chứng hôn mê.
Ngay khi nhận được thông tin, bác sĩ Tuấn đã trao đổi qua điện thoại và hướng dẫn các bác sĩ đang ứng trực ca mổ một phác đồ cấp cứu bằng phương pháp Lipid 20% để hóa giải ngộ độc thuốc tê. 15 phút sau cuộc điện khẩn cấp đó, từ ngoài Bắc gọi vào cho biết, bệnh nhân đã tỉnh.
"Niềm vui đến như chính tôi cấp cứu thành công ca này", bác sĩ Tuấn chia sẻ trên trang cá nhân.
Sau khi đăng trạng thái hân hoan của bản thân cũng như chia sẻ các kinh nghiệm trong xử lý tình huống ngộ độc thuốc tê lên Facebook cá nhân, bác sĩ Tuấn đã nhận được rất nhiều lượt chia sẻ thông tin và ý kiến ủng hộ.
|
Bác sĩ Tuấn vẫn thường xuyên lên mạng để chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn. |
Nickname Nghĩa Mai bình luận: "Thời đại công nghệ thật tuyệt, các bác sĩ từ xa đã có thể hỗ trợ được cho nhau trực tiếp. Chúc mừng bệnh nhân, chúc mừng bác sĩ".
Còn trên trang cá nhân, facebooker Nguyễn Mao, đồng thời là bác sĩ kết nối để có cuộc tư vấn cho bệnh nhân tại Thanh Hoá chia sẻ: "Mình đã vận dụng hết kiến thức đã học và đã đọc để chuẩn đoán nhưng không nghĩ ra được vì mình chưa gặp bao giờ. Ngay lúc đó mình nghĩ đến 'sư phụ' Nguyễn Anh Tuấn. Điện thoại mấy lần đều không liên lạc được, thế là mình nghĩ ngay đến nhắn tin qua Facebook... Trời đã không phụ lòng mình, và cuối cùng bệnh nhân đã được cứu sống. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Dr. Nguyễn Anh Tuấn".
Nhiều bác sĩ khác cũng như bạn bè trên Facebook của bác sĩ Tuấn nhân dịp này đã đề nghị lập trang Facebook chuyên ngành để chia sẻ thông tin, kiến thức...
Trước đó, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cùng một số bác sĩ chuyên về gây mê của một số bệnh viện trong nước và bệnh viện Harvard (Mỹ) đã thành lập nhóm thường xuyên cập nhật kiến thức chia sẻ thông tin trên trang Hội gây mê hồi sức Việt Nam (VSA) cũng như tình nguyện đi đến nhiều bệnh viện trong cả nước dạy học, chia sẻ thông tin mới nhất cho đồng nghiệp.
|
Bác sĩ Tuấn luôn cùng bác sĩ Sinh Nguyễn - Đại học Harvard (Mỹ) chia sẻ kiến thức mới nhất cho đồng nghiệp tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. |
Với kinh nghiệm hơn 20 năm về gây mê hồi sức, từng học nội trú tại Pháp, học các khóa ngắn hạn về Gây mê hồi sức và giảm đau tại Thái Lan, Đài Loan, Thụy Sĩ, Singapore, bác sĩ Tuấn có mối quan tâm hàng đầu về ứng dụng gây tê vùng để giảm đau cho phẫu thuật và giảm đau khác như ung thư, đau mạn tính
Mạng xã hội đã mang đến cho ông nhiều mối quan hệ đồng nghiệp, nhiều thông tin bổ ích. Ông cho biết, ông cũng sẵn sàng online chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình với những ai quan tâm và cần ông tư vấn, hỗ trợ.
Bác sĩ Tuấn cho biết, ngộ độc thuốc tê toàn thân là biến chứng không phải là hiếm gặp khi gây tê. Nó có thể xảy ra ngay cả khi sử dụng thuốc tê đúng chỉ định, đúng phuơng pháp, đúng liều dùng.
Nếu không phát hiện và cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mang. Trường hợp bệnh nhân nam 26 tuổi ở Thanh Hóa là trường hợp ngộ độc thuốc tê toàn thân không điển hình nên ngay cả các các bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức ít kinh nghiệm cũng không nghĩ đến và vì thế không biết cách xử lý đúng.
Ở các nước tiên tiến, tỷ lệ ngộ độc thuốc tê toàn thân xấp xỉ 1%. Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê chính thức và trong nhiều ca khi xảy ra thường hay được gọi là sốc phản vệ.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, các bác sĩ ở Việt Nam được đào tạo định hướng trong khoảng 10 tháng, nhưng nếu ít kinh nghiệm và khi gặp các tình huống không điển hình như trên sẽ lúng túng.
Trên thế giới, phác đồ sử dụng dung dịch Lipid 20% trong cấp cứu điều trị ngộ độc thuốc tê toàn thân được áp dụng gần 10 năm qua. Hiện, Lipid 20% đã nằm trong dach sách thuốc bắt buộc khi cấp cứu ngộ độc thuốc tê toàn thân ở các nước phát triển.