Tiếp tục các hoạt động của Đoàn Công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng đoàn tham dự Phiên họp lần thứ 68 của Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ từ ngày 18/5- 26/5/2015, được sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh được cử làm đại diện của Việt Nam tham dự các cuộc họp bàn thảo luận đóng góp cho Dự thảo các chương trình Nghị quyết y tế toàn cầu về các lĩnh vực liên quan đến công tác khám chữa bệnh và quản lý một số bệnh không lây nhiễm. Một trong những nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực này được WHO năm nay lựa chọn là “Đẩy mạnh lĩnh vực gây mê, chăm sóc phẫu thuật thiết yếu và khẩn cấp như một cấu phần trong bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cần thiết cho khoảng 11% tổng gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Mỗi năm trên thế giới thực hiện tới 234 triệu lượt phẫu thuật.Tuy nhiên có tới 2 tỷ người trên thế giới đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc phẫu thuật cơ bản. Theo nghiên cứu của WHO tại 26 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, có tới 35% số phòng mổ thiếu thiết bị cung cấp ôxy; 47% không có máy gây mê; 23,2 % phòng mổ không thực hiện phẫu thuật và rất nhiều khó khăn hạn chế về thuốc và năng lực cán bộ chuyên môn…
WHO đề nghị các quốc gia cần tăng cường sự quan tâm và xây dựng cam kết chính trị về lĩnh vực này; mở rộng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc cấp cứu về ngoại khoa thiết yếu; Cải thiện chất lượng và an toàn dịch vụ ngoại khoa thiết yếu và cấp cứu; Tăng cường năng lực cán bộ chuyên môn; Cải thiện thu thập số liệu; theo dõi và đánh giá chính sách và ra quyết định; Đẩy mạnh hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực phẫu thuật thiết yếu và cấp cứu.
Tham dự phiên họp về chủ đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã có bài phát biểu quan trọng, đóng góp cho Dự thảo Nghị quyết “Đẩy mạnh lĩnh vực gây mê, chăm sóc phẫu thuật thiết yếu và khẩn cấp như một cấu phần trong bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.Cũng giống như các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ và đánh giá cao sáng kiến của WHO đã đưa vấn đề phẫu thuật an toàn thành vấn đề quan tâm toàn cầu, nhất trí với các giải pháp của WHO đề ra yêu cầu các nước thành viên tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, PGS TS Lương Ngọc Khuê còn đề nghị WHO cũng như các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội quan tâm ủng hộ, các quốc gia thực hiện cả về phát triển kỹ thuật và tài chính để xây dựng, thiết lập mạng lưới cơ sở phẫu thuật an toàn, bảo đảm chất lượng chuẩn thiết yếu.
Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong thực hiện chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên cho tuyến dưới theo Đề án 1816 và Bệnh viện vệ tinh mà Việt Nam đã đạt được những kết quả cao trong đó có việc chuyển giao, phát triển kỹ thuật ngoại khoa và gây mê an toàn cho tuyến dưới. Bài phát biểu của Việt Nam được Ban thư ký của Đại hội đồng ghi nhận và đánh giá cao.
Ngay sau khi Nghị quyết về lĩnh vực Gây mê, chăm sóc phẫu thuật thiết yếu và khẩn cấp như một cấu phần trong bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân được thông qua tại WHO 68, Việt Nam cùng với Zambia và một số nước khác đã tổ chức Hội nghị bên lề chính thức về chủ đề này. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của nhiều nước và tổ chức quốc tế. Với tư cách là một trong những chủ tọa chính, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với Nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Cũng liên quan đến lĩnh vực phẫu thuật và gây mê an toàn, tối ngày 18/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê thay mặt Đoàn Việt Nam tới dự Lễ ra mắt Liên minh G4, một tổ chức được khởi xướng bởi các tổ chức quốc tế và hoạt động trong lĩnh vực an toàn phẫu thuật và gây mê. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cùng nhiều nước khác đã có bài phát biểu chào mừng tại buổi lễ này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với các phong trào quốc tế vì sự an toàn của người bệnh và chất lượng phẫu thuật.
Bên cạnh đó, nhóm đại biểu của Việt Nam về lĩnh vực Quản lý khám chữa bệnh cũng đã tham gia và đóng góp tích cực cho dự thảo Nghị quyết của WHO trong các phiên họp của đại hội đồng về:
(1) Công tác kháng kháng sinh;
(2) Theo dõi tiến độ và kết quả thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về Y tế;
(3) Y tế trong chương trình phát triển sau năm 2015;
(4) Gánh nặng toàn cầu của bệnh động kinh và sự cần thiết phối hợp hành động tại mỗi quốc gia để giải quyết vấn đề nhận thức của cộng đồng, xã hội và y tế về bệnh động kinh;
(5) Chương trình phòng chống một số bệnh không lây nhiễm.
Ngoài ra, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê và một số thành viên của Đoàn cũng đã có các buổi họp trao đổi với đại diện Tổ chức Y tế thế giới TS.Shekhar Saxena, Trưởng Ban Sức khỏe tâm thần và Nghiện chất của WHO, để bàn về việc đẩy mạnh và nhân rộng mô hình quản lý bệnh động kinh tại cộng đồng; trao đổi với Bà TS. Vera Luiza da Costa e Silva, Trưởng ban thư ký Chương trình Hiệp định khung kiểm soát thuốc lá của WHO về đẩy mạnh hoạt động chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam…
Chương trình công tác tham dự Đại hội đồng Y tế thế giới của lĩnh vực quản lý Khám chữa bệnh đã kết thúc tốt đẹp và đoàn trở về Việt Nam vào ngày 24/5/2015.