Chồng vay tiền anh chị hơn 500 triệu mua nhà, đòi vợ cùng gánh nợ

Google News

Đụng đến tiền bạc thì hôn nhân sứt mẻ và rất khó để nói rõ, bởi vậy, những vấn đề liên quan đến kinh tế thì nên rạch ròi và rõ ràng khi cả hai về chung một nhà.

Cứ nói rằng sau khi kết hôn thì vợ chồng là một thể, vấn đề gì cũng cùng nhau gánh vác. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, có những chuyện liên quan tiền bạc rất khó để giải quyết.
Chồng vay tiền mua nhà muốn vợ cùng gánh vác
Mới đây, báo chí xứ Trung đưa tin câu chuyện của một đôi vợ chồng. Vợ họ Tống, chồng họ Đỗ, họ kết hôn đã được vài năm và đang sống trong một căn hộ.
Đây là nhà mà trước khi kết hôn anh Đỗ đã mua. Thời điểm mua nhà, vì chưa có đủ tiền đặt cọc nên anh đã vay anh trai 70 nghìn NDT (240 triệu đồng) và chị gái 80 nghìn NDT (274 triệu đồng). Hiện tại, khoản nợ ấy chưa được trả, hàng tháng anh vẫn đang chỉ tiếp tục trả góp tiền căn hộ mà thôi.
Căn nhà này anh Đỗ mua trước khi kết hôn, giấy chứng nhận cũng chỉ có tên anh trên đó. Nó chính là tài sản trước hôn nhân.
Sau đó một thời gian, anh kết hôn với cô Tống. Đến hiện tại, anh trai, chị gái đều thúc giục hai vợ chồng trả tiền, điều này khiến cô Tống cảm thấy cực kỳ áp lực và buồn bã.
Theo cô Tống, sau khi kết hôn mới biết chồng đang trả góp nhà, là tài sản riêng cô đã cảm thấy buồn rồi. Nếu như cần thiết, anh Đỗ có thể đăng ký kết hôn rồi mới mua nhà, khi đó cô rất hoan hỷ cùng gánh khoản nợ nhà cửa bởi chí ít nó là tài sản chung.
Bây giờ anh lựa chọn mua riêng, sau khi kết hôn vẫn lầm lũi đi làm, dồn toàn bộ tiền lương để tích cóp trả góp căn nhà. Mấy năm qua, anh không đóng góp gì được cho cuộc sống hôn nhân của cả hai. Điều này khiến cô Tống cảm thấy khá bức xúc.
Chong vay tien anh chi hon 500 trieu mua nha, doi vo cung ganh no
Cô Tống không đồng ý gánh nợ tiền nhà với chồng.
Bây giờ sau vài năm kết hôn, anh trai chị gái chồng đòi tiền cho mượn đặt cọc nhà. Cô Tống đã nói thẳng mình không có tiền và cũng không nguyện ý trả nợ vì căn nhà đâu có đứng tên cô. Bao nhiêu năm qua gần như cô phải chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt, chi phí ăn uống và nhiều chi phí khác bởi tiền chồng dành hết cho việc trả nợ.
Nghe thấy vậy, gia đình nhà chồng đều cho rằng cô ích kỷ. Hơn nữa, mỗi khi gặp cô thì anh chị bên chồng vẫn thúc giục chuyện trả nợ khiến cô vô cùng áp lực và bức xúc.
Thậm chí, vợ chồng họ cũng đã nhiều lần cãi cọ với nhau. Cô Tống kiên quyết không đóng góp vào khoản nợ nhà vì chồng cũng không có ý định thêm tên cô vào sổ đỏ. Anh Đỗ thì cho rằng đóng góp để trả nợ, trả xong vẫn ở đó, vợ chồng không phải tính toán quá.
Cô Tống lại nghĩ dù sao chuyện này vẫn phải rạch ròi. Cô hoàn toàn không biết chồng trả góp nhà trước khi cưới. Nếu biết, có khi cô sẽ lăn tăn nên hay không kết hôn với anh ta. Bản thân cô Tống cảm thấy chồng cùng gia đình chồng đã lừa dối mình ở một mức độ nào đó.
Đến hiện tại, vì câu chuyện này mà cuộc hôn nhân của họ lục đục. Ai cũng có cái lý của mình mà chẳng chịu xuống nước hay nhường nhịn nhau.
Với hôn nhân, tài sản cũng phải có sự rạch ròi
Trong cuộc sống, nhiều cặp đôi thậm chí còn làm cả thỏa thuận tiền hôn nhân để xử lý vấn đề tài sản. Đôi khi họ không quá giàu có nhưng thực hiện bước đó để tránh đi những tranh cãi về sau. Đụng đến tiền bạc thì hôn nhân sứt mẻ và rất khó để nói rõ, bởi vậy, những vấn đề liên quan đến kinh tế thì nên rạch ròi và rõ ràng khi cả hai về chung một nhà.
Trong câu chuyện trên, cô Tống không biết căn nhà mình và chồng sẽ sinh sống vẫn còn nợ nần tiền đặt cọc và hàng tháng phải trả góp. Sau khi về chung một nhà, cô đã thất vọng vì chồng không thể đóng góp gì mà chỉ biết vất vả để trả cho xong tiền nhà. Dù anh tự mình trả thì vẫn là lấy tài sản chung của hai vợ chồng ra để chi trả khoản nợ cho tài sản riêng bởi sau khi kết hôn, tất cả đều là của chung hai vợ chồng.
Chong vay tien anh chi hon 500 trieu mua nha, doi vo cung ganh no-Hinh-2
Ảnh minh họa.
Nếu tính toán một cách rạch ròi, nó là tài sản trước hôn nhân của anh Đỗ. Bây giờ sổ đỏ cũng chỉ có tên anh. Cô Tống chấp nhận chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt để chồng tự dùng thu nhập đi trả nợ đã là một sự nhân nhượng. Nếu yêu cầu cô Tống phải cùng chung tay chung sức trả tiếp khoản đặt cọc thì thật sự rất khó.
Sự áp đặt của anh Đỗ và gia đình anh dành cho vợ mình về sự ích kỷ là hết sức bất công. Nhận xét tỉ mỉ hơn thì có lẽ chính anh ta mới là người tính toán trước. Nếu không thì hãy thoải mái thêm tên vợ vào giấy chứng nhận sở hữu rồi cả hai vui vẻ gánh nợ.
Vợ chồng không tính toán với nhau nhưng ít nhất nó cũng phải xuất phát trên một nền tảng công bằng. Bắt buộc cô Tống phải bỏ tiền ra để gánh một khoản nợ không liên quan gì đến cô thì ai cũng thấy bất công cả. Nói chung, cô cảm thấy bị lừa cũng có thể chính xác vì bản thân đã bị đưa vào thế "có nợ" một cách bị động. Dù sao đi chăng nữa nếu như chồng không nợ tiền nhà thì hàng tháng cô đã chẳng phải một tay gánh vác tiền sinh hoạt như hiện tại.
Với hôn nhân, tài sản cũng phải có sự rạch ròi. Có lẽ, cặp đôi này nên ngồi lại để xem xét lại câu chuyện về căn nhà cũng như việc xử lý nợ. Nếu như không khéo léo thì tình cảnh tan đàn xẻ nghé, đường ai nấy đi cũng rất dễ xảy ra.
Theo Phụ nữ số

>> xem thêm

Bình luận(0)