“Viêm tụy cấp là bệnh lý nặng, có nhiều biến chứng như hoại tử tụy, tụ dịch nhiễm khuẩn, suy đa tạng, suy hô hấp tiến triển nặng nếu không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi cơn nguy kịch đã tạm qua, các biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy kiệt vẫn rình rập. Bệnh rất dễ tái phát nhiều lần”, BSCKI Lương Minh Tuấn, Phó giám đốc, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương nói.
Dễ nhầm lẫn với ngộ độc thức ăn
Chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi, Hà Nội) bị đau bụng, buồn nôn, tưởng do ngộ độc thức ăn sau tiệc liên hoan với đồng nghiệp cuối năm. Sau đó, cơn đau ngày càng dữ dội, có biểu hiện choáng, khó thở, vã mồ hôi, da xanh tái, trụy tim mạch,… Khi cấp cứu lấy máu trắng như sữa, xét nghiệm triglyceride tăng cao gấp hơn 30 lần,..., chị H. được chẩn đoán viêm tụy cấp chảy máu biến chứng sốc, suy gan thận, phải thở máy và lọc máu…
Tương tự, bệnh nhân nam 45 tuổi vào viện vì đau bụng thượng vị dữ dội kèm buồn nôn, chướng bụng. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp tăng triglycerid 41 mmol/l, cô đặc máu, tụy viêm phù nề... Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu hấp phụ cấp cứu để giảm nhanh triglycerid và loại bỏ các yếu tố tiền viêm.
|
Lọc máu cho bệnh nhân viêm tụy cấp máu trắng như sữa. |
Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, gần như ngày nào cũng có bệnh nhân viêm tụy cấp phải nhập viện. Nhiều người sau ăn tiệc, bị nôn, đi ngoài tưởng do ngộ độc thức ăn nên chủ quan khiến cho viêm tụy cấp biến chứng nặng nề. Đặc biệt, cơn đau bụng của bệnh thường đột ngột, đau lan ra sau lưng, bí đại tiểu tiện, trung tiện, nôn nhiều, một số ít nôn ra máu, bụng chướng… dễ bị chẩn đoán nhầm là thủng dạ dày, viêm đường mật, túi mật hoặc viêm ruột thừa… nên đôi khi dẫn đến “mổ nhầm”. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng được cấp cứu nhiều nhất là lứa tuổi trung niên, công chức hay liên hoan, tiệc tùng.
Theo BSCKI Lương Minh Tuấn, viêm tụy cấp diễn biến phức tạp, nhanh chóng. có nhiều biến chứng như hoại tử tụy, tụ dịch nhiễm khuẩn, suy đa tạng, suy hô hấp tiến triển nặng nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng tăng triglycerid trong viêm tụy cấp làm tăng mức độ nặng lên gấp 2, 3 lần nên cần thực hiện các biện pháp để giảm nhanh triglycerid như thay huyết tương, lọc máu hấp phụ, truyền insulin liên tục,… Ngay cả khi cơn nguy kịch đã tạm qua, các biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy kiệt vẫn rình rập. Bệnh rất dễ tái phát nhiều lần. Vì vậy, bệnh nhân luôn cần được theo dõi y tế sát sao và thực hiện đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Lý giải nguyên nhân gây viêm tụy cấp sau ăn tiệc, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, đây là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc trong tiêu hóa thức ăn. Do ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đạm… lại uống nhiều rượu bia vào cơ thể. Khi các chất này phân hủy thành các hạt dưỡng chấp, ứ đọng quanh tụy và các ống dẫn gây tắc vi mạch trong tụy, dẫn đến viêm tụy. Đặc biệt, việc ứ đọng này khiến tụy phải hoạt hóa men tụy ngay trong tụy, từ đó tụy bị phân hủy, chất độc ngấm vào máu gây nguy hiểm cho cơ thể.
PGS.TS Tuấn cho biết, có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp, trước đây chủ yếu do bệnh đường mật, do sỏi hoặc giun... nhưng hiện nay đa phần phải cấp cứu do rối loạn chuyển hóa lipid. Ngoài cholesterol tăng cao, đa số bệnh nhân có hàm lượng triglyceride cao gấp 15 – 17 lần giới hạn cho phép.
“Triglyceides là hợp chất hóa học cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết cho sự chuyển hóa. Nó là dạng chất béo thông thường nhất mà chúng ta tiêu thụ và là thành phần chính yếu của các dầu thực vật cũng như mỡ động vật. Triglyceride cũng là một dạng mỡ trong cơ thể.
Tăng triglycerides thường gặp ở những người béo phì/thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường… và đặc biệt là uống nhiều rượu. Bởi uống rượu có thể làm tăng mức triglyceride trong máu vì kích thích gan sản xuất thêm axit béo. Khi uống nhiều cộng với thức ăn nhiều mỡ, tiết canh, hải sản, thịt chó, lục phủ ngũ tạng… sẽ khiến mức triglyceride-huyết tăng đột biến” – PGS.TS Tuấn phân tích.
|
Chăm sóc bệnh nhân viêm tụy cấp tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương. |
Biến chứng nặng nề
Các chuyên gia cảnh báo, viêm tụy cấp là một bệnh lý nội khoa cấp tính gây nhiều biến chứng. Một đợt viêm tụy cấp có thể xảy ra sau 1 lần uống nhiều rượu hoặc sau một bữa ăn thịnh soạn. Bệnh rất dễ tái phát, nhiều bệnh nhân một năm nhập viện 2 – 3 lần, thậm chí có người bị tới 7 – 8 lần/năm.
Điều đáng nói, tổn thương tụy cấp có thể tạo điều kiện cho các enzyme hoạt hóa và các chất độc như cytokine tràn ra ngoài tụy và đổ vào ổ bụng. Tại đây chúng gây nên những kích thích và gây viêm lớp màng lót của ổ bụng (viêm phúc mạc) hay các cơ quan. Enzyme hoạt hóa và các cytokine cũng có thể được hấp thu từ ổ bụng vào mạch bạch huyết, sau đó vào máu gây nên hạ huyết áp và tổn thương các cơ quan bên ngoài ổ bụng như phổi.
Đặc biệt, viêm tụy cấp nhiều lần dễ trở thành viêm tụy mạn, suy tụy, người bệnh không có men tiêu hóa thức ăn, ăn cái gì đại tiện ra cái đó dẫn tới suy dinh dưỡng hoặc các bệnh nội tiết khác như đái tháo đường, xơ tụy, suy tụy.
Các biến chứng thường gặp của viêm tụy cấp bao gồm: Giảm thể tích máu; hoại tử tụy, nang giả tụy, suy hô hấp cấp, liệt ruột cơ năng, nhiễm trùng huyết… Bệnh nặng có thể gây biến chứng toàn thân như trụy tim mạch, suy giảm hô hấp, suy giảm chức năng thận, loét dạ dày tá tràng… đặc biệt là hoại tử hoặc chảy máu trong tụy, bệnh nhân có thể bị sốc và tử vong.
Viêm tụy cấp nếu được cấp cứu kịp thời, lọc máu và điều trị nội khoa có kết quả tốt. Bệnh nặng có khi phải phẫu thuật và nguy cơ tử vong rất cao (10– 50%). Vì vậy, để tránh những biến chứng đáng tiếc do viêm tụy cấp có thể xảy ra, sau các bữa ăn thịnh soạn đặc biệt sau uống rượu bia mà xuất hiện đau bụng cấp, cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để khám và điều trị hợp lý, kịp thời.
Cách tránh viêm tụy cấp
Để tránh viêm tụy cấp do ăn uống, cần giữ gìn vệ sinh an toàn trong ăn uống, định kỳ 6 tháng đến một năm tẩy giun một lần để tránh mắc ký sinh trùng đường ruột; ăn uống hợp lý, tránh ăn đạm mỡ nhiều, không sử dụng thực phẩm bị ỗ nhiễm và tránh việc sử dụng bia rượu quá nhiều để bảo đảm cho cơ thể luôn luôn được khỏe mạnh.
Để ngăn ngừa viêm tụy cấp do tăng mỡ máu, nên giảm ăn thực phẩm giàu chất béo như thịt mỡ, nội tạng động vật, các sản phẩm từ kem. Ngoài ra, nên nấu ăn bằng những phương pháp ít dầu như hấp, hầm, luộc.
Hạn chế ăn đường và ăn ít đồ ngọt; tránh hoặc uống ít đồ uống có đường; giảm tần suất ăn các thực phẩm đóng gói có hàm lượng đường cao như bánh quy, kem, sô-cô-la...; hạn chế sử dụng đường trong nấu ăn tại nhà. Đặc biệt, tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, vận động vừa phải và sử dụng thuốc hạ mỡ máu đúng cách khi có vấn đề về mỡ máu.